Thứ năm, 16/05/2024, 00:53:40 AM (GMT+7)

Rủi ro tách, nhập

(20:07:41 PM 15/10/2020)
(Tin Môi Trường) - Trong buổi giảng về bộ máy hành chính, học viên hỏi rằng "tại sao các cơ quan hành chính nước ta cứ tách nhập liên tục như vậy".

 Rủi[-]ro[-]tách,[-]nhập

Ảnh minh hoạ: IE 
 
"Tách nhập là nghề tổ chức, nếu không thì chúng tôi làm gì", giảng viên trả lời. Giảng viên là một thứ trưởng, cũng là bạn vong niên thân tình của tôi. Hết giờ học, anh túm tôi và nói: "Thế nào cậu, mình trả lời thế được không?". "Xin lẩy đôi câu Kiều với anh: Chém cha cái số hoa đào/ tách ra rồi lại nhập vào như chơi", tôi đành nói vui như vậy.
 
Nhiều người cũng cảm thấy có gì đó không ổn trong câu chuyện cơ quan hành chính các cấp cứ "tách tách, nhập nhập" hoài trong hơn hai chục năm qua. Tôi thấy hình như chúng chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, thiếu phân tích hiệu quả, rủi ro, không đánh giá tác động vào đời sống đất nước, nhất là tác động vào đời sống của dân lành đang phải chạy ăn từng bữa, doanh nghiệp đang phải kiếm từng đồng.
 
Nếu sự thay đổi bộ máy các cấp mà chỉ như "mang máng" rằng để quản lý dễ hơn thì không nên làm. Bởi quản lý dễ nhưng dân có thể lao đao. Tác động đơn giản và dễ thấy nhất, tôi tin nhiều người từng trải qua kinh nghiệm xương máu này, là hàng loạt giấy tờ của dân như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy chứng nhận về đất đai, giấy tờ tùy thân sau đó sẽ phải rất chật vật để sửa đổi nơi sinh, nơi ở, địa chỉ... hay hàng nghìn doanh nghiệp, tổ chức phải khắc lại con dấu, bỏ đi hàng đống phong bì và mẫu văn bản đã in. Luật Đất đai có một điều quy định riêng về hệ thống quản lý phải làm những gì khi có thay đổi về đơn vị hành chính. Nhưng những rủi ro pháp luật và thực thi pháp luật thì luôn cận kề trong muôn vẻ hình hài.
 
Ở các nước tiến bộ, khi quyết định thay đổi bất cứ điều gì, chính quyền đều phải phân tích chi phí, lợi ích mọi mặt, chỉ khi tổng lợi ích nhiều hơn tổng thiệt hại thì họ mới làm. Nói rõ hơn, khi quyết định thay đổi các cấu trúc trong chính quyền, phải đặt lợi ích của dân vào trung tâm. Một quyết định xê dịch bộ máy hành chính phải bảo đảm: trước mắt, nhà nước chi phí toàn bộ cho việc thay đổi kéo theo liên quan đến công dân và doanh nghiệp; lâu dài, mọi chi phí dịch vụ chính thức và phi chính thức sẽ thấp hơn hẳn. Và đời sống của dân sẽ dễ chịu hơn hẳn.
 
Tôi đã đọc khá nhiều tài liệu về việc người Pháp làm gì khi lấy được Đông Dương. Ngay lập tức, họ thành lập Nha Địa dư Đông Dương, đặt tại Đà Lạt. Họ cho chụp ảnh bằng máy bay toàn cõi Đông Dương, lập bản đồ chi tiết, rồi tiến hành khảo sát các nơi dựa trên bản đồ. Từ đó, họ phân định ranh giới các đơn vị hành chính dựa trên ranh giới tự nhiên khả dụng và các yếu tố quan trọng hơn như thổ ngơi, phong tục, tập quán, tính cách, giọng nói, hoàn cảnh, lịch sử của các nhóm dân địa phương; kể cả mối quan hệ yêu, ghét giữa các nhóm. Tạm gác sang một bên yếu tố xâm lược thuộc địa, một lần họ nghiên cứu kỹ lưỡng mà đến nay, sau biết bao thăng trầm lịch sử, thế hệ sau gần như không sắp xếp khác đi được.
 
Đất nước ta cũng đã qua vài lần thay đổi tổng thể bộ máy hành chính. Sau ngày thống nhất, một chủ trương lớn về sắp xếp lại bộ máy hành chính được nhà nước đặt ra dựa trên nguyên tắc "bộ bé, tỉnh to", mỗi huyện phải là một "pháo đài kinh tế" độc lập. Cứ hai ba địa phương cũ ghép lại làm một địa phương mới, một ngành nhỏ cũng thành một bộ cồng kềnh.
 
Thế rồi, "vật đổi, sao dời", "bãi bể, nương dâu" cho thấy triết lý thay đổi dường như dựa trên tư duy hình thức này không ổn. Nhà nước ta lại quyết định ngược lại theo hướng "bộ to, tỉnh bé". Nhiều bộ lại nhập lại với nhau thành siêu bộ, các địa phương lại tách ra gần như ngày xưa. Lại một quyết định thay đổi lớn mà được giải thích chung chung, dựa vào "kinh nghiệm nước ngoài".
 
Trong xu hướng "tỉnh bé", cũng có trường hợp cá biệt là cả tỉnh Hà Tây lại nhập vào Thủ đô. Văn hoá xứ Đoài phải nhập vào văn hoá Kẻ chợ. Nhiều người yêu xứ Đoài cứ ngồi tiếc ngẩn tiếc ngơ. Xứ Đoài ven "Hà Nội cũ" thì phát triển mạnh hơn, nhưng trung tâm xứ Đoài ngoài xa kia vẫn giậm chân tại chỗ.
 
Tiếp theo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1211/2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết số 653/2019 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Đây là bước tiến mới về tiêu chuẩn hoá hệ thống hành chính địa phương, chuyển sang được tư duy định lượng với các tiêu chí cụ thể về diện tích, dân số và số lượng đơn vị hành chính trực thuộc đối với nông thôn và thêm cơ cấu về trình độ phát triển kinh tế - xã hội đối với đô thị.
 
Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng các tiêu chí hoàn thiện hệ thống hành chính địa phương vẫn dựa chủ yếu vào hình thức, thiếu nội dung sinh động về con người như bản sắc, tập tục, đặc tính, thói quen, dân tộc, tôn giáo... Cái thiếu nữa là không có quy định rằng ngân sách phải chi trả cho việc thay đổi mọi giấy tờ, con dấu mà công dân và doanh nghiệp phải làm. Nhiều nơi, dân nghèo và doanh nghiệp lại nháo nhác.
 
Ngày nay, thế giới đang thay đổi cấu trúc đô thị theo xu thế gắn với triết lý xanh, triết lý thông minh nhằm giảm chi phí, tăng lợi ích cho dân. Hệ sinh thái đô thị bền vững dựa trên tính cộng sinh của mọi chủ thể hoạt động trong đô thị đó. Chính quyền đô thị khi ấy trở thành một cấp do dân bầu ra người đứng đầu và hội đồng đô thị đại diện cho dân làm nhiệm vụ kiểm soát.
 
Chính quyền ở cấp cao hơn, ví dụ nếu một thành phố bao gồm nhiều thành phố có hệ sinh thái đô thị độc lập, chỉ còn làm nhiệm vụ quản lý liên kết vùng nhằm tăng hiệu suất phát triển. Những đại đô thị như Hà Nội hay TP HCM nếu được tổ chức theo mô hình này sẽ giúp giảm chi phí quản lý, giảm ô nhiễm môi trường và công dân được thụ hưởng nhiều hơn, nhất là khi đưa được công nghệ cao vào tạo dựng đô thị thông minh.
 
TP HCM đang đề xuất ghép một số đơn vị quận, huyện trở thành Thành phố Thủ Đức trong khi nhiều câu hỏi của dân còn để ngỏ. Xét về địa kinh tế, TP HCM hoàn toàn đủ điều kiện trở thành một đại đô thị như một mắt xích trọng yếu trong chuỗi đô thị biển toàn cầu trên tuyến hàng hải liên đại dương, tại đoạn nối Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Tôi vẫn lại thấy thấp thoáng tư duy hình thức. Nhà nước có thể cho phép TP HCM lập đề án tổng thể tái cấu trúc toàn bộ hệ thống chính quyền đô thị kiểu mới với các nghiên cứu khoa học tích hợp kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn... và bảo đảm tính khả thi.
 
Còn nếu đề án mới chỉ ghép một khu vực lớn phía Đông với nhiều quận, huyện nhỏ ở phần còn lại, e rằng rủi ro "tách tách, nhập nhập" lại hiển hiện.
Đặng Hùng Võ - Chuyên gia Quản lý tài nguyên
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Rủi ro tách, nhập

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
 Muốn xin dời vị trí cây xanh trước nhà, làm đơn gửi ai?

Muốn xin dời vị trí cây xanh trước nhà, làm đơn gửi ai?

(Tin Môi Trường) - Trước nhà tôi có một cây xanh. Cây này do đơn vị trồng cây xanh trồng. Tuy nhiên, vị trí cây không nằm ở ranh giới giữa nhà tôi và nhà bên cạnh mà lệch qua phía nhà tôi khoảng 0,5m đến 1m. Nay tôi muốn yêu cầu đơn vị trồng cây xanh trồng lại đúng vị trí ranh giới giữa nhà tôi và nhà bên cạnh thì làm việc với cơ quan nào?

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Đốn hạ gần 90 cây xanh mở rộng đường giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất

Đốn hạ gần 90 cây xanh mở rộng đường giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất

(Tin Môi Trường) - Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám dài gần 800m, trong đó, điểm đầu từ đường Cộng Hòa - đoạn cầu vượt Hoàng Hoa Thám và điểm cuối tiếp giáp với sân bay Tân Sơn Nhất. Toàn tuyến có tổng cộng khoảng hơn 90 cây xanh phải di dời đốn hạ.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI