»

Thứ hai, 20/05/2024, 13:26:42 PM (GMT+7)

Thực trạng môi trường ở Nam Định còn nhiều nan giải

(14:17:40 PM 20/09/2014)
(Tin Môi Trường) - Việc thực hiện các chính sách về môi trường tại Nam Định Bài 1: Thực trạng môi trường ở Nam Định còn nhiều nan giải Nam Định là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống và các khu công nghiệp. Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế và quá trình đô thị hóa đã dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó, ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí ở nhiều nơi đã ở mức báo động.


Ảnh:TL


Hiện nay, Nam Định phải đối mặt với nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường cần giải quyết. Tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề và khu kinh tế cũng đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều địa phương, cơ sở sản xuất chưa quan tâm tới vấn đề môi trường, chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như chưa xây dựng các khu xử lý chất thải, nước thải tập trung…


Đáng chú ý nhất là vấn đề ô nhiễm do rác thải rắn, rác thải sinh hoạt và chất thải ở các làng nghề, bệnh viện, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ… Nam Định có 10 huyện, thành phố với 229 xã, phường, thị trấn (trong đó thành phố Nam Định có 25 xã, phường), theo số liệu thống kê, hiện nay lượng rác thải phát sinh trong toàn tỉnh ước tính khoảng 880 tấn/ngày, trong đó thành phố Nam Định là 220 tấn/ngày và 9 huyện còn lại là 660 tấn/ngày. Trên địa bàn thành phố Nam Định với 25 xã, phường việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt do Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên môi trường Nam Định chịu trách nhiệm với tỉ lệ thu gom khoảng 85%. Rác thải được thu gom, vận chuyển về xử lý tại Khu liên hợp xử lý rác thải thành phố Nam Định (Làng Man, xã Lộc Hòa) với khối lượng khoảng 175 tấn/ngày.


Đối với các xã, thị trấn thuộc 9 huyện còn lại, nhiều thôn, xóm, cụm dân cư đã thành lập các tổ thu gom rác thải, đội vệ sinh môi trường, hợp tác xã vệ sinh môi trường thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải đến các bãi rác tập trung với tỉ lệ thu gom đạt 74,1%. Mặc dù lượng rác thải hàng ngày được nhiều địa phương quan tâm thu gom với tỉ lệ cao, đầu tư dành cho công tác thu gom rác thải đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên việc xử lý hiệu quả khối lượng rác đã được thu gom còn nhiều bất cập do các nguyên nhân như địa phương chưa có bãi chôn lấp hợp vệ sinh, công tác quy hoạch lựa chọn điểm chôn lấp rác rất khó khăn đối với một số địa phương, kinh phí hoạt động cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, một số bộ phận người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường chung, công tác vận hành bãi chôn lấp rác thải tập trung chưa đúng quy trình.


Ở vùng nông thôn, lượng chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp bao gồm: rơm, rạ, các phụ phẩm nông nghiệp và chất rắn chăn nuôi rất lớn. Rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp thường được người dân đốt tại khu vực ruộng sau khi thu hoạch đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Ông Phạm Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nam Định cho biết: “Trong hoạt động chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh Nam Định có khoảng 138 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, trâu, bò gia cầm ước tính tổng lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 210 tấn/ngày. Một số xã, cơ sở đã được hỗ trợ xử lý chất thải thông qua các dự án về thu gom, tái sử dụng khí sinh học, chất thải rắn, lỏng từ các trại chăn nuôi bằng hệ thống hầm biogas. Tuy nhiên tỉ lệ xử lý bằng biện pháp này còn thấp, số trại xử lý chất thải bằng hầm biogas chỉ chiếm 21%, số còn lại đổ ra vườn hoặc thải trực tiếp ra ao, hồ, sông đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực”.


Đối với chất thải rắn công nghiệp và thương mại, với 1.654 cơ sở đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh mỗi ngày phát sinh 23,2 tấn lượng chất thải rắn công nghiệp, trong đó chất thải phải xử lý là 5,8 tấn/ngày và chất thải có thể tận thu là 17,4 tấn/ngày chủ yếu từ các ngành sản xuất như cơ khí, chế tạo máy, dệt nhuộm, chế biến giấy, chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm…Chất thải nguy hại phát sinh hầu hết từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, bệnh viện và cả từ sinh hoạt với thành phần đa dạng, lượng phát sinh không ổn định.


Đáng báo động là đối với môi trường nước. Theo kết quả quan trắc môi trường nước tháng 3/2014, hầu hết các điểm quan trắc ở các sông lớn đều có hàm lượng oxy hóa các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn (BOD5) và hàm lượng oxy hóa học (COD) đều vượt quy chuẩn cho phép. Hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng trên các sông cũng vượt quy chuẩn cho phép tại một số vị trí như sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ, sông Đào. Hàm lượng Coliform (chỉ số phản ánh số lượng vi khuẩn Coliform trong nước) trên các sông Đáy, sông Đào tại một số vị trí đã có dấu hiệu bị ô nhiễm.


Đối với các sông nhánh nhỏ nội đồng cũng xuất hiện tình trạng ô nhiễm trên tất cả các sông như sông Vĩnh Giang, sông Giáng, sông Sắt, sông Hùng Vương, sông Vân Chàng, sông Châu Thành, sông Lạc Chính… Chất lượng nước mặt trên hệ thống sông nội đồng so với quy chuẩn cho phép có hàm lượng COD vượt 21/21 mẫu, hàm lượng BOD5 vượt 21/21 mẫu, hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng vượt 10/21 mẫu…


Bên cạnh đó, tại các ao, hồ, kênh, mương trên địa bàn tỉnh cũng đã có dấu hiệu ô nhiễm bởi sinh vật, các chất vô cơ, dầu mỡ và cặn lơ lửng. Một số hồ đã có những thông số vượt quy chuẩn cho phép như ở huyện Hải Hậu và Giao Thủy. Nguồn nước ngầm cũng đã có dấu hiệu ô nhiễm clorua, hàm lượng sắt, nitrat cao và có dấu hiệu nhiễm kim loại asen chủ yếu tập trung ở huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản.

Khu vực các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, chất lượng nước ngầm có dấu hiệu ô nhiễm do sắt, vi sinh vật, chất hữu cơ và kim loại độc hại nhưng mang tính cục bộ, tập trung ở một số làng nghề. Ô nhiễm clorua tập trung chủ yếu ở khu vực làng nghề như Nam Giang, Vân Chàng, Bình Yên. Theo số liệu thống kê năm 2013, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh là 87%. Tuy nhiên đến nay chất lượng môi trường mặt nước và nước ngầm ngày càng suy giảm đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nước.


Đối với môi trường không khí, theo số liệu quan trắc hàng năm thì chất lượng môi trường không khí trong toàn tỉnh tương đối tốt, nằm trong giới hạn cho phép so với quy chuẩn môi trường hiện hành. Tuy nhiên nếu theo dõi theo từng năm thì chất lượng môi trường không khí một số điểm quan trắc đang có chiều hướng suy giảm do sự gia tăng các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động sản xuất của các khu, cụm công nghiệp tập trung, đặc biệt là hoạt động của các làng nghề như làng nghề Bình Yên, làng nghề Vân Chàng…


Tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay ở Nam Định đang có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, để xử lý triệt để vấn đề này nhằm bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng vẫn đang là bài toán nan giải. Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở Nam Định hiện nay không chỉ là đòi hỏi cấp thiết đối với các cấp quản lí, các doanh nghiệp mà đó còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân và của toàn xã hội.

Thùy Dung
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Thực trạng môi trường ở Nam Định còn nhiều nan giải

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Kiểm tra đột xuất về tài nguyên nước khi có phản ánh của báo chí

Kiểm tra đột xuất về tài nguyên nước khi có phản ánh của báo chí

(Tin Môi Trường) - Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; sụt, lún đất; gây lũ nhân tạo đột ngột hoặc phản ánh của báo chí.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI