»

Chủ nhật, 19/05/2024, 14:49:40 PM (GMT+7)

"Thần đèn" giải nguy di tích

(10:52:12 AM 10/08/2011)
(Tin Môi Trường) - Nhờ sự trợ giúp của các “thần đèn”, nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử đã được giữ nguyên hiện trạng.

 

Chứng kiến những con người bình thường lại làm những chuyện phi thường, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì những công trình kiến trúc đồ sộ, di tích lịch sử cấp quốc gia được giữ nguyên hiện trạng sau di dời. Lo vì trước những công trình ấy, con người trở nên quá mong manh, nhỏ bé, chỉ một sai lầm nhỏ có thể dẫn đến tai họa...

 

Những công trình biết đi

 

Mỗi lần đi ngang chùa Vĩnh Nghiêm, chúng tôi lại nhớ hình ảnh của 6 năm về trước khi “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy (Đồng Tháp) thực hiện di dời cổng chùa trước sự chứng kiến của đông đảo phật tử. Chiếc cổng tam quan của ngôi chùa này vướng dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Nguyễn Văn Trỗi. Nhà chùa quyết giữ lại hiện trạng cổng chùa và “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy được giao trọng trách di dời. Cổng chùa cao 7 m, rộng 12 m, trọng lượng lên đến 120 tấn đã được đội quân của ông Nguyễn Cẩm Lũy đào khoét sâu xuống lòng đất, cắt móng cũ rồi dùng đội hơi nâng hổng lên khỏi mặt đất.
 
 
Cả khối bê tông cốt thép đồ sộ ấy chỉ được đội, kéo bằng những dụng cụ thô sơ như bệ trượt là đòn dày bằng ván gỗ, con lăn bằng sắt và pa-lăng dây cáp với sức kéo của con người. Mất 2 tuần thi công và trong 4 giờ, cổng chùa được dịch chuyển thành công đến vị trí mới, cách nơi cũ 4 m. Khi đó, rất nhiều người dân, phật tử chứng kiến một công trình đồ sộ biết... đi  đều trầm trồ thán phục tài nghệ của “thần đèn”.
 
 

Thần đèn đang di dời chùa Vạn Linh  trên  núi Cấm

 

“Thần đèn” Lương Thành Lũy (Tư Lũy - An Giang) cũng được nhiều người biết đến khi di dời, giải nguy cho nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử ở các tỉnh miền Tây. Trong số các công trình được di dời của “thần đèn” Tư Lũy, có công trình cổng chùa Vĩnh Tràng ở TP Mỹ Tho - Tiền Giang vào năm 2006. Đây là một di tích cấp quốc gia nhưng đã bị nghiêng, lún và xuống cấp nghiêm trọng.
 
 
Tất cả các công ty xây dựng có đội ngũ kỹ sư dày dạn kinh nghiệm cũng đều lắc đầu, không dám nhận thầu vì trọng lượng rất nặng mà chân tường đều bị mục, có nguy cơ đổ sập lúc di dời. ÔngTư Lũy đã nhận thầu và di dời thành công. Sau thành công đó, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã giao cho ông Tư Lũy di chuyển đình Long Hưng, một di tích quốc gia khác ở huyện Châu Thành. Ông Tư Lũy lại chinh phục được công trình này khiến tiếng tăm của ông nổi như cồn.
 

“Thần đèn” Tám Bé ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang gắn liền với công trình di dời chùa Ông ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Chùa có chiều ngang 25 m, dài 17 m, đã được xây dựng từ rất lâu, không có đà kiềng ở phần nền móng, việc di dời dường như không tưởng. Đó là lý do mà theo ông: “Khi lãnh di dời chùa này, nhiều người đã nói tôi... bị điên”. Để biến điều không thể thành có thể, đội quân 30 người của ông Tám Bé ra sức đào xung quanh chùa, đổ đà kiềng, gia cố vách... Khi ngôi chùa được kéo đi đoạn đường 17 m, nâng nền cao thêm 1,5 m thành công, cả ngàn người đứng xem hết sức vui mừng.

 

Lên núi dời chùa

 

Sau chùa Vĩnh Tràng, “thần đèn” Tư Lũy nhận thầu một công trình lớn và khó hơn: Lên núi Cấm dời chùa Vạn Linh. Ngôi chùa đồ sộ này có chiều dài 34 m, rộng 14 m, trọng lượng hơn 1.500 tấn, mặt chính điện quay về hướng Nam, hướng thẳng về tòa tháp 9 tầng uy nghi trên một sườn đồi. “Thần đèn” Tư Lũy có nhiệm vụ kéo lùi ngôi chùa về phía sau 20 m, đồng thời xoay một góc 90 độ, kéo mặt chính điện từ hướng Nam sang Đông. Thượng tọa Thích Hoằng Trí, trụ trì chùa Vạn Linh, cho biết ngôi chùa này có kiến trúc hết sức độc đáo, in đậm trong lòng phật tử trên cả nước nên bằng mọi cách phải giữ nguyên trạng.

 

Khi công việc di dời chùa Vạn Linh tiến hành chưa bao lâu, “thần đèn” Tư Lũy đã trút hơi thở cuối cùng vì bạo bệnh. Theo di nguyện của ông, người cháu ruột, “thần đèn” Lương Văn Phú (32 tuổi, tên thường gọi là Hải) tiếp tục công việc. “Đây là công trình khổng lồ đầu tiên tôi thực hiện nên tôi luôn tự nhũ phải tính toán kỹ, làm thật chắc, không khéo danh tiếng của người đi trước trôi sông đổ bể” - ông Phú tâm sự.
 
 
Sau hơn cả tháng chuẩn bị các công đoạn ban đầu, cắt chân móng và đổ đà kiềng, ngày 20-6-2011, chùa Vạn Linh bắt đầu “đi” những bước đầu tiên. Nhưng theo ông Lê Văn Sang, lính ruột “thần đèn” Tư Lũy, người trực tiếp tham gia di dời chùa Vạn Linh, do chùa quá nặng lại được di chuyển bằng những dụng cụ thô sơ nên đã nhiều lần xảy ra đứt cáp, những con lăn bằng ống sắt dày cũng bị bẹp dúm, công việc phải “giậm chân tại chỗ” nhiều ngày. Ông Phú nhớ lại: “Chúng tôi phải vừa làm vừa khắc phục sự cố, thay đổi dụng cụ phù hợp. Công việc rất khó khăn.
 
 
Trong 10 ngày đầu, chúng tôi chỉ kéo lui được chừng 6 m. Có ngày thời tiết tốt, công việc thuận lợi, kéo xa nhất được 4 m, song có ngày chỉ di chuyển được vài cm”... Theo ông Phú, cái khó là không chỉ kéo lùi ngôi chùa 1.500 tấn này một lần, mà phải tiến hành kéo tới, kéo lui nhiều lần để thực hiện việc xoay một góc 90 độ. Trong lúc di chuyển tới lui, lại phải điều chỉnh con lăn lệch theo ý muốn để xoay mặt chính điện từ Nam sang Đông”...
 
 

Đến trung tuần tháng 7 vừa rồi, chùa Vạn Linh đã vào vị trí mới an toàn và hiện đang trong giai đoạn nối chân móng, lót sàn. Nhìn đống đồ nghề thô sơ gồm 8 pa-lăng quay tay, 100 con đội hơi, 300 tấm đòn dày bằng gỗ và hàng trăm cọc niêm bằng thân cây dừa cắt ngắn, ít ai ngờ “thần đèn” Lương Văn Phú và đội quân 40 người đã làm được chuyện phi thường như thế.

Nở rộ “thần đèn”

 

Từ thành công của một số “thần đèn” đi trước, nhiều người theo làm công, học lóm được chút nghề đã ra làm ăn riêng, tạo ra hiện tượng nở rộ “thần đèn”, đi đôi với dịch vụ di dời nhà cửa, chùa chiền, chống nghiêng, chống lún mọc nhiều như nấm ở các tỉnh miền Tây. Dọc Quốc lộ 943 về huyện Chợ Mới - An Giang, đoạn qua khu vực bến đò Doi Lửa hiện có khoảng 30 cơ sở, doanh nghiệp tư nhân làm nghề này. Theo ông Nguyễn Ngọc Hờn, trưởng ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, chỉ riêng trong ấp đã có gần 10 cơ sở làm dịch vụ di dời nhà như Ba Tuấn, Út Mập, Lê Văn Rời, Hai Lý, Tư Nghĩa, Thanh Liểm... Số không trương bảng hiệu cũng gần 20 cơ sở. Còn tại xã Long Điền B, huyện Chợ Mới cũng có hơn chục đội di dời nhà không đăng ký kinh doanh.

Bài và ảnh: QUỐC DŨNG
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: "Thần đèn" giải nguy di tích

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang

Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang Tin ảnh

(Tin Môi Trường) - Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi tại thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là một báu vật thiên nhiên quý hiếm, đang được bảo tồn trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Đây là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút du khách từ nhiều tỉnh, thành tới thăm quan.

Tin Môi Trường
 Loài cua khổng lồ nặng 4kg biết bóc tách vỏ dừa

Loài cua khổng lồ nặng 4kg biết bóc tách vỏ dừa

(Tin Môi Trường) - Loài cua dừa khổng lồ nặng trung bình khoảng 4kg một con, có khả năng bóc tách vỏ quả dừa, trở thành sinh vật thống trị hòn đảo xa xôi ở Nam Thái Bình Dương vì không có động vật bản xứ cạnh tranh.

VACNE 30 năm
 Bộ rễ khủng cây di sản trùm kín miếu thờ ở Quảng Nam

Bộ rễ khủng cây di sản trùm kín miếu thờ ở Quảng Nam

(Tin Môi Trường) - Ngày 24-4, khi chứng kiến cây đa làng Bàng Tân (xã Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam) được công nhận là cây di sản Việt Nam, nhiều người ấn tượng với bộ rễ khủng của cây đa cổ thụ này chồm lên trùm kín làm mái lợp, tường bao cho gian miếu thờ phía dưới.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI