»

Thứ hai, 20/05/2024, 15:03:14 PM (GMT+7)

Những "truyền thuyết hiện đại" về thủy điện Mekong (phần cuối)

(08:39:21 AM 04/12/2014)
(Tin Môi Trường) - Vấn đề thủy điện Mekong đã gây ra rất nhiều tranh cãi, trong đó có một số quan điểm, cảm nhận của nhiều người chưa xác đáng do thiếu thông tin. Vì vậy, TMT giới thiệu loạt bài những “Truyền thuyết hiện đại” xung quanh vấn đề Thủy điện Mekong của ThS. Nguyễn Hữu Thiện- Chuyên gia sinh thái Đồng bằng Sông Cửu Long nhằm cung cấp thông tin rộng rãi về vấn đề này

>>Những "truyền thuyết hiện đại" về thủy điện Mekong (Phần 1)

>>Những "truyền thuyết hiện đại" về thủy điện Mekong (Phần 2)

 >>Những "truyền thuyết hiện đại" về thủy điện Mekong (Phần 3)

 

Ảnh minh họa: TL


Thủy điện giúp giảm lũ và tăng dòng chảy mùa khô, tốt cho ĐBSCL


Kinh nghiệm trong nước, nhất là thủy điện ở miền trung trong những năm gần đây đã cho thấy các đập thủy điện không bao giờ thực hiện được chức năng cắt lũ, nhất là khi có lũ lớn.  Các nhà đầu tư xây dựng thủy điện là vì lợi ích thu nhập đối với đồng tiền họ bỏ ra đầu tư chứ không phải vì lợi ích của người dân ở hạ lưu đập. Thực tế khi có lũ lớn, để bảo vệ đập, các nhà vận hành sẽ xả lũ khi ở hạ lưu đã ngập gây ra hiện tượng lũ chồng lũ gây thiệt hại tài sản và tính mạng con người ở hạ lưu đập.


Sông Mekong là một dòng sông độc đáo vì lưu lượng mùa lũ gấp 30 lần lưu lượng mùa khô.  Sự biến đổi tự nhiên theo mùa của Sông Mekong đóng vai trò quan trong trong nhiều chức năng sinh thái liên quan đến nước.  Khí hậu của Lưu vực Mekong chịu ảnh hưởng của mưa mùa tây nam làm cho nước mùa lũ dâng lên vài mét.  Động thực vật trong các vùng đồng ngập lũ ở Campuchia và Việt Nam đã thích nghi với điều kiện sống theo chu kỳ năm như thế trong nhiều ngàn năm.  Chính “nhịp thủy văn” hàng năm này của hệ thống Mekong tạo ra năng suất và sự đa dạng sinh học cao trong vùng.  Nét văn hóa của vùng Mekong được hình thành trên nền tảng này từ xưa và ngày nay nhịp thủy văn này vẫn là nền tảng của nền kinh tế ở đây.  Mối liên hệ giữa nhịp thủy văn và năng suất đất, năng suất nông nghiệp, và năng suất sinh học là mối liên hệ tương tác rất phức tạp và chưa được hiểu rõ vì vậy lợi ích của nhịp thủy văn chưa được đánh giá và có thể dễ dàng bị xem nhẹ.


Việt Nam nên tham gia xây 2 đập trên dòng chính Mekong


Trong danh sách các nhà đầu tư 11 đập thủy điện dòng chính Mekong có 2 công ty Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà (đập Stung Treng ở Campuchia, Petro Việt Nam (đập Luang Prabang ở Lào). Có lập luận cho rằng, Việt Nam nên tham gia xây 2 đập Stung Treng và Luang Prabang để tận dụng cơ hội kinh tế, mang điện về cho đất nước, và vì không xây thì các nước khác cũng nhảy vào đầu tư và nếu Việt Nam tham gia đắp thì có cơ hội tham gia điều tiết được nguồn nước cho ĐBSCL.


Theo báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược 2010, hai công ty nói trên đã ký Bản ghi nhớ đối với đập Luang Prabang ở Lào với công suất lắp máy 1410 MW và đập Strung Treng ở Campuchia với công suất lắp máy 980 MW.  Tuy nhiên việc này diễn ra trước khi có Đánh giá môi trường chiến lược nêu ra các tác động to lớn đối với Đồng bằng Sông Cửu Long và cho đến nay đối với 2 đập này không có tiến triển gì thêm sau Bản ghi nhớ và khảo sát nghiên cứu tiền khả thi.


Với những tác động tiềm tàng to lớn của các đập thủy điện dòng chính Mekong đối với ĐBSCL như thế và với việc Việt Nam đang nêu quan ngại về các đập này thì lập luận cho rằng Việt Nam nên tham gia đắp hai đập này là hoàn toàn không phù hợp bởi vì việc tham gia đó sẽ chịu áp lực phê phán của các nhà khoa học, các bên liên quan, và cộng đồng quốc tế, tạo ra một hình ảnh “tiền hậu bất nhất” cho Việt Nam.  Việc đắp ha đập này để “tham gia điều tiết nước cho ĐBSCL” là một lý luận rất mơ hồ, chưa có gì chứng minh khả thi, bởi vì 2 đập này nằm ở giữa các đập phía trên và phía dưới trong chuỗi bậc thang đập.  Hơn nữa, vấn đề tác động của thủy điện Mekong đối với ĐBSCL không chỉ là lượng nước mà còn là vấn đề phù sa và thủy sản và các hệ lụy kéo theo.


Lập luận tham gia đắp đập để mang điện về cho tổ quốc là chưa có cơ sở thuyết phục.  Chi phí tải điện rất đắt đỏ đối với thủy điện vì khoảng cách rất xa. Ví dụ, đập Nam Theun 2 ở Lào dù ở rất gần biên giới Campuchia, vẫn cần 500km đường dân 500kV mới với chi phí khoảng 300.000 đến 800.000 USD/km để tải điện bán sang Thái Lan tại Nakhorn Sawan. Chi phí tải điện của Nam Theun 2 từ biên giới Thái đến mạng điện của Thái là hơn 150 triệu USD.

Nhưng thủy điện dòng chính Mekong sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của khu vực, không làm thủy điện thì làm sao?


Theo báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược, các dự án dòng chính chỉ tương đương 6-8% nhu cầu dự báo cho vùng Hạ lưu vực tính đến 2025, và chỉ tương đương với dự báo tăng nhu cầu của vùng Hạ lưu vực trong một năm (tính cho 11 đập, giả sử tổng công suất lắp máy là 14.000 MW và sản lượng 66.000 GWh/năm). Các đề xuất dự án dòng chính là quan trọng nhất đối với ngành điện của Campuchia vì Campuchia thì có ít các phương án thay thế để đáp ứng nhu cầu nội địa, còn ngành thủy điện của Lào có thể phát triển các dự án chi lưu cho nhu cầu trong nước và việc xuất khẩu điện có thể tiếp tục ở mức độ lành mạnh khi không có các dự án dòng chính vì Lào có nhiều tiềm năng thủy điện chi lưu hấp dẫn kinh tế, phù hợp cho xuất khẩu.


Đối với Việt Nam và Thái Lan, thủy điện dòng chính ở Hạ Lưu Vực có tầm quan trọng nhỏ đối với nhu cầu năng lượng quốc gia. Trong khi lợi ích ròng đến từ các đập dòng chính là khoảng 655 triệu USD đối với Thái Lan và Việt Nam, thì con số này nhỏ hơn 1% tổng giá trị hàng năm của ngành điện của các quốc gia này tính cho năm 2025.  Ngành điện của Thái và Việt Nam có chi phí nhiệt điện thấp. Vì vậy, thủy điện dòng chính sẽ có tác động rất nhỏ lên giá điện của các hệ thống điện này (giảm chi phí cho người tiêu dùng khoảng 1,5%). Với độ lớn nhu cầu điện của Thái Lan và Việt Nam, các dự án thủy điện dòng chính sẽ không làm thay đổi các chiến lược năng lượng quốc gia của các quốc gia này, theo tiêu chí về giá thấp nhất.


Thực tế là dự báo điện của các quốc gia Mekong chủ yếu dựa vào dự báo phát triển kinh tế trong tương lai và luôn cao hơn nhu cầu thực tế vì dự báo kinh tế càng dài hạn càng không chắc chắn. Năm 2009, Thủ tướng Thái Lan đã chỉ đạo cho EGAT (Cơ quan điện lực Thái Lan) rà soát lại nhu cầu điện của quốc gia này sau cuộc khủng hoảng kinh tế vì dự báo đã được đưa ra trước theo nhu cầu điện trước khủng hoảng.  Trước đó EGAT cũng đã từng bị phê phán vì đưa ra những ước lượng quá cao về nhu cầu điện dẫn đến việc đầu tư tràn lan không cần thiết đối với thủy điện và các nguồn khác.  Tương tự, các dự báo về nhu cầu điện của Việt Nam cũng hàm chứa rất nhiều sự không chắc chắn, được đưa ra trước khủng hoảng kinh tế.


thủy điện trước đây vẫn được hiểu sai là sạch và rẻ nên thủy điện thường được  mặc nhiên đưa vào các kế hoạch phát triển điện mà ít phải so sánh chi phí với các phương án khác ít tốn kém hơn về mặt xã hội, môi trường. Một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới năm 2005 kết luận là thậm chí đối với trường hợp đập Nam Thuen 2 được xem là chi phí tương đối thấp vì ở gần biên giới Thái Lan thì đầu tư vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng sẽ rẻ hơn nhiều. 


Có nhiều việc có thể làm để thay thế nguồn điện từ thủy điện có thể xem xét .  Những thay đổi này đòi hỏi phải có đầu tư và thời gian, nhưng có thể sẽ rẻ hơn so với thủy điện nếu tính đúng, tính đủ chi phí và lợi ích. Các biện pháp quản lý phía cầu bao gồm, ví dụ, sử dụng điện hiệu quả, giảm tổn thất phân phối điện, điều chỉnh hệ số hiệu suất điện (power factor) để tránh lãng phí, tái cơ cấu sử dụng điện, áp dụng thang giá điện, bù giá cho tiết kiệm điện, và biện pháp thuế.  Các biện pháp quản lý phía cung bao gồm, ví dụ, tăng hiệu suất bên cung cấp điện, chính sách thu hút đầu tư, sử dụng nhà máy nhiệt điện truyền thống (gas, than, dầu), thủy điện dòng nhánh ở nơi phù hợp, áp dụng các công nghệ thủy điện mới như không đắp toàn bộ dòng sông, năng lượng tái tạo (gió, sinh khối, điện mặt trời), các dạng phát điện khác (hạt nhân?), và hệ thống phát điện phi tập trung hóa.

ThS. Nguyễn Hữu Thiện- Chuyên gia sinh thái Đồng bằng Sông Cửu Long
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Những "truyền thuyết hiện đại" về thủy điện Mekong (phần cuối)

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Kiểm tra đột xuất về tài nguyên nước khi có phản ánh của báo chí

Kiểm tra đột xuất về tài nguyên nước khi có phản ánh của báo chí

(Tin Môi Trường) - Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; sụt, lún đất; gây lũ nhân tạo đột ngột hoặc phản ánh của báo chí.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI