»

Thứ hai, 20/05/2024, 15:21:20 PM (GMT+7)

Những "truyền thuyết hiện đại" về thủy điện Mekong (phần 3)

(10:05:23 AM 03/12/2014)
(Tin Môi Trường) - Vấn đề thủy điện Mekong đã gây ra rất nhiều tranh cãi, trong đó có một số quan điểm, cảm nhận của nhiều người chưa xác đáng do thiếu thông tin. Vì vậy, TMT giới thiệu loạt bài những “Truyền thuyết hiện đại” xung quanh vấn đề Thủy điện Mekong của ThS. Nguyễn Hữu Thiện- Chuyên gia sinh thái Đồng bằng Sông Cửu Long nhằm cung cấp thông tin rộng rãi về vấn đề này

>>Những "truyền thuyết hiện đại" về thủy điện Mekong (Phần 1)

>>Những "truyền thuyết hiện đại" về thủy điện Mekong (Phần 2)

 

Những[-]"truyền[-]thuyết[-]hiện[-]đại"[-]về[-]thủy[-]điện[-]Mekong[-](phần[-]3)

Ảnh minh họa: TL

 

Ở ĐBSCL có nhiều vấn đề khác, đâu chỉ có tác động của thủy điện Mekong và ở Việt Nam cũng phát triển thủy điện tràn lan đó thôi.


Đúng là Việt Nam đã có giai đoạn phát triển nóng về thủy điện và nay đã nhận ra tác động tiêu cực của thủy điện và chính vì cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại về kinh tế, môi trường, xã hội.  Chính vì thế, năm 2012 Chính phủ Việt Nam đã rà soát quy hoạch phát triển thủy điện trên toàn quốc và loại bỏ 423 dự án thủy điện, chiếm 34.2% trong tổng số 1,239 dự án.


ĐBSCL hiện đối diện với 3 thách thức: Biến đổi khí hậu, các vấn đề nội tại về phát triển không bền vững, và các mối đe dọa từ các vấn đề phát triển ở thượng lưu Mekong, đặc biệt là thủy điện dòng chính Mekong.


Biến đổi khí hậu đang diễn ra thể hiện ở nhiều mặt như nhiệt độ nóng lên, mưa hạn và gió bão thất thường, và nước biển dâng kèm theo xâm nhập mặn đang ảnh hưởng đến mọi mặt sản xuất và đời sống.  Theo dự báo, đến cuối thế kỷ 21 ở ĐBSCL nước biển sẽ cao 75cm đến 100cm so với giai đoạn 1980-1999.  Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và nước biển dâng là quá trình diễn biến dần dần và chúng ta còn có thời gian để thích ứng, tuy là khó khăn.


Các vấn đề nội tại của ĐBSCL về phát triển thiếu bền vững bao gồm mất rừng, ô nhiễm môi trường nước do nuôi thủy sản và hóa chất nông nghiệp, bao đê khép kín làm lúa vụ ba trong mùa lũ làm cho đất bạc màu và thay đổi thủy văn gây tăng ngập ngoài đê và tăng xâm nhập mặn vào mùa khô, v.v.  Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều biện pháp và chính sách để cả thiện dần như trồng rừng ven biển, áp dụng biện pháp canh tác 1P5G (1 phải, 5 giảm) hay 1P6G (1 phải, 6 giảm) để giảm lượng nước và hóa chất nông nghiệp.  Vấn đề đê bao lúa vụ ba cũng đã có nhiều nhà khoa học lên tiếng và thực chất vấn đề này cũng dễ khắc phục một khi quan niệm về an ninh luơng thực và tối đa hóa sản lượng lúa được thay đổi, bởi vì các đê bao này đắp bằng đất, không phải là công trình kiên cố vĩnh viễn và việc xả lũ vào cũng rất đơn giản và trên thực tế đã có nhiều địa phương thực hiện việc xả lũ định kỳ vào những vùng đê bao khép kín để nhận phù sa và nguồn lợi thủy sản vào hàng năm.


Mối đe dọa từ những sự phát triển ở thượng lưu Mekong như chuyển nước sang lưu vực khác và thủy điện, đặc biệt là các đập thủy điện trên dòng chính Mekong sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với ĐBSCL trong 3 mối đe dọa vừa nêu.  Một khi các đập thủy điện Mekong được xây dựng kiên cố chắn dòng sông thì các tác động là vĩnh viễn và không thể đảo ngược được.


Thích ứng với Biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề phát triển chưa bền vững ở ĐBSCL đòi hỏi thời gian và tốn kém, nhưng ĐBSCL hoàn toàn có cơ hội để làm được.  Các tác động đến từ thủy điện dòng chính Mekong sẽ làm mất đi cơ hội đó.


Lào là nước nghèo, có tiềm năng thủy điện lớn, phát triển thủy điện trên dòng chính Sông Mekong là cách duy nhất giúp Lào thoát nghèo.


Đồng bằng Sông Cửu Long nghèo hơn Lào!


Mặc dù GDP không phải là con số tốt để đo giàu, nghèo hay sức khỏe của một nền kinh tế.  Tuy nhiên, vì không có con số nào khác có sẵn, chúng ta thử dùng GDP để xem xét câu hỏi này.


Theo Ngân hàng thế giới, GDP năm 2013 của Lào là 11.14 tỉ USD, dự báo sẽ tăng trưởng 7.5% trong năm 2014, 7.9% trong năm 2015, và 9.1% trong năm 2016.  Với dân số 2013 là 6.8 triệu người, GDP bình quân đầu người của Lào năm 2013 là 1638.2 USD. Trong khi đó đối với ĐBSCL, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong 6 tháng đầu năm 2014, GDP toàn vùng ĐBSCL đạt 237,000 tỉ đồng tương đương 11.17 tỉ USD.  Giả định cùng con số GDP cho 6 tháng cuối năm thì tổng GDP cả năm toàn vùng ĐBSCL là khoảng 22.34 tỉ USD.  Với dân số khoảng 18 triệu người thì GDP bình quân đầu người của ĐBSCL trong năm 2014 khoảng 1,242 USD. Nếu so GDP của Lào với GDP của ĐBSCL để làm phép so sánh tương đối thì Lào là một nước nhỏ về dân số chứ không nghèo hơn ĐBSCL.  ĐBSCL thực tế là nghèo hơn Lào và đông người gấp ba lần.


Ngoài ra, bản thân con số GDP có rất nhiều khuyết điểm vì nó không phản ánh được giá trị của tài nguyên thiên nhiên như cá, rau, nước sạch mà người dân sử dụng hằng ngày không thông qua thị trường, dù những tài nguyên này chiếm phần quan trọng trong nguồn dinh dưỡng nuôi sống người dân của một quốc gia.  Do môi trường hiện nay ở Lào còn khá tốt, rất nhiều người Lào tiêu thụ cá và nước từ sông Mekông hằng ngày mà không phải chi phí một đồng tiền mặt nào cả và dĩ nhiên không được nhìn thấy trong con số GDP.  Nhiều người dân Lào nói “chúng tôi không nuôi cá, cá nuôi chúng tôi”


Đập thủy điện Mekong là đập thủy điện của tư bản nước ngoài.


Toàn bộ 11 đập dự kiến trên dòng chính Mekong không phải do các quốc gia chủ nhà là Lào và Campuchia cấp vốn mà do các công ty nước ngoài đầu tư, xây dựng và vận hành.


Thời gian xây dựng trung bình mỗi đập là 8 năm, và trong 25 năm từ năm thứ 9 đến năm thứ 33 thì theo hình thức BOT (Xây dựng, Vận hành, Chuyển giao) khoảng 69-74 % doanh thu thuộc về nhà đầu tư, và Lào chỉ được 26-31% doanh thu.  Điện tạo ra cũng không phải Chính Phủ Lào hay người dân Lào tiêu thụ, mà chủ yếu (95%) là xuất sang cho Thái Lan. Theo báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược, nếu tất cả các dự án dòng chính được tiến hành, Lào với 9 đập trong số 11 đập sẽ nhận được 70% doanh thu xuất khẩu điện (2.6 tỉ USD) mỗi năm từ các đập dòng chính trong khi đó Campuchia với 2 đập sẽ nhận được 30% (tương đương 1.2 tỉ USD/năm).


Như vậy, trong 25 năm sau khi xây dựng (giả sử các đập đều được xây dựng cùng lúc) thì Lào nhận được 26-31% của 2.6 tỉ USD tương đương 676-806 triệu USD/năm và Campuchia sẽ nhận được hoảng 26-31% của 1.2 tỉ USD tương đương 312-372 triệu USD/năm.  Sau thời gian 25 năm BOT (tức là năm thứ 33, kể cả 8 năm xây dựng ban đầu) thì các nước chủ nhà sẽ được hưởng toàn bộ doanh thu. Ngoài ra các bên còn phải trả tiền vay vốn đầu tư ban đầu tổng cộng 25 tỉ USD cho 11 đập và tiền lãi vay vốn.  Hiện nay chi phí tháo dở đập khi công trình hết tuổi thọ (50-100 năm) chưa được đưa vào chi phí đầu tư, rất có thể các nước chủ nhà sẽ phải gánh chịu chi phí này.


Trong khi đó, theo báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược, các dự án thủy điện này sẽ có tác động tiêu cực đáng kể đối với nông nghiệp và thủy sản.  Sự thiệt hại thủy sản trực tiếp nếu tất cả các đập được xây dựng sẽ khoảng 476 triệu USD/năm; chưa tính đến thiệt hại thủy sản ở ĐBSCL và thủy sản biển, có thể sẽ rất lớn.  Giá trị kinh tế của thủy sản tự nhiên ở vùng Hạ lưu vực Mekong đã được ước lượng khoảng 1,4 đến 2,0 tỉ USD/năm theo giá trị bán đầu tiên (giá bán của người đánh bắt).  


Riêng đối với ĐBSCL, số liệu của Trung tâm cá thế giới ước lượng khoảng 220,000-440,000 tấn cá/năm ở ĐBSCL sẽ chịu rủi ro và cũng chưa tính đến thiệt hại thủy sản biển.  Thiệt hại do thiếu giảm phù sa gây hiệu ứng sạt lở, ảnh hưởng lên nông nghiệp ở ĐBSCL, ảnh hưởng lên năng suất thủy sản biển, và tác động liên hoàn lên ĐBSCL chưa có số liệu nào ước lượng, nhưng có thể sẽ rất to lớn.


Do đó có thể nhận thấy rằng các nhà tư bản sẽ là những người hưởng lợi nhiều nhất dựa trên tài sản thiên nhiên mà cộng đồng ở khu vực Sông Mekong đã cùng nhau sử dụng một cách bền vững trong nhiều ngàn năm qua. Đơn thuần về mặt tài chính thì các quốc gia chủ nhà các đập sẽ được hưởng lợi, nhưng nhỏ hơn lợi ích vào túi các nhà tư bản. Trong khi đó thiệt hại chung cho hàng chục triệu người, cho hê sinh thái, cho nhiều ngành, nhiều quốc gia sẽ rất lớn và khó tính toán được.


Theo số liệu của FAO, dẫn trong báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược 2010, thủy sản đánh bắt bình quân đầu người ở Campuchia, Lào, Thái Lan, và Việt Nam gấp gần 4 lần so với trung bình thế giới. Thủy sản nước ngọt đánh bắt ở Campuchia khoảng 25kg/người/năm đứng cao nhất thế giới. Một khảo sát của Đại học An Giang năm 2010 tại huyện Châu Phú, An Giang cho thấy người dân tại đây tiêu thụ khoảng 31kg/người/năm.

 

(Còn 1 kỳ cuối)

ThS. Nguyễn Hữu Thiện- Chuyên gia sinh thái Đồng bằng Sông Cửu Long
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Những "truyền thuyết hiện đại" về thủy điện Mekong (phần 3)

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Kiểm tra đột xuất về tài nguyên nước khi có phản ánh của báo chí

Kiểm tra đột xuất về tài nguyên nước khi có phản ánh của báo chí

(Tin Môi Trường) - Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; sụt, lún đất; gây lũ nhân tạo đột ngột hoặc phản ánh của báo chí.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI