»

Thứ hai, 20/05/2024, 14:07:11 PM (GMT+7)

Những "truyền thuyết hiện đại" về thủy điện Mekong (phần 2)

(18:21:28 PM 01/12/2014)
(Tin Môi Trường) - Vấn đề thủy điện Mekong đã gây ra rất nhiều tranh cãi, trong đó có một số quan điểm, cảm nhận của nhiều người chưa xác đáng do thiếu thông tin. Vì vậy, TMT giới thiệu loạt bài những “Truyền thuyết hiện đại” xung quanh vấn đề Thủy điện Mekong của ThS. Nguyễn Hữu Thiện- Chuyên gia sinh thái Đồng bằng Sông Cửu Long nhằm cung cấp thông tin rộng rãi về vấn đề này

>>Những "truyền thuyết hiện đại" về thủy điện Mekong

 

Những[-]"truyền[-]thuyết[-]hiện[-]đại"[-]về[-]thủy[-]điện[-]Mekong[-](phần[-]2)

Người dân sống trên sông Mê Kông -Ảnh: TL

 

Phát triển thì phải đánh đổi môi trường, không thể khư khư giữ môi trường mãi được.


Đúng là phát triển thường phải chấp nhận đánh đổi tác động môi trường ở một mức nào đó.  Nhưng đánh đổi không có nghĩa là bằng mọi giá, mà tác động phải ở một ngưỡng chấp nhận được và lợi ích thu được từ sự phát triển mới phải to lớn hơn những tổn thất mà nó gây ra, và đặc biệt là tác động không nên hủy hoại một cách căn bản, trên diện rộng, những hệ thống hỗ trợ cho sự sống (life supporting system).


Trong trường hợp Thủy điện Mekong, tác động bao gồm tác động về mặt sinh thái, môi trường, kinh tế, xã hội tại chỗ và trên toàn lưu vực, ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trong ngắn hạn và dài hạn. Ngoài ra còn có tác động liên hoàn, ví dụ mất phù sa và thủy sản ảnh hưởng liên hoàn lên nông nghiệp, thủy sản nuôi, thủy sản biển, và các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ thuộc vào nông nghiệp và thủy sản như chế biến, vận chuyển, thương mại, và vì vậy ảnh hưởng lên toàn bộ nền kinh tế. Một khi các đập thủy điện đã xây dựng thì các tác động sẽ là vĩnh viễn, khó có biện pháp giảm thiểu hoặc thích ứng.  Nếu tính đúng và tính đủ các tổn thất do thủy điện Mekong gây ra bao gồm các chi phí thấy được và khó thấy được, thì lợi ích từ thủy điện Mekong mang lại (thu nhập từ bán điện và cung cấp năng lượng) sẽ quá nhỏ so với tổng tổn thất và vì vậy sự đánh đổi này là đánh đổi lỗ.


Hơn nữa, thu nhập từ bán điện chủ yếu là vào túi các nhà tư bản nước ngoài, chứ không phải các quốc gia chủ nhà của các công trình thủy điện, càng không phải là các cộng đồng địa phương.


Ở Việt Nam, chính vì cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại về kinh tế, môi trường, xã hội mà năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã rà soát quy hoạch phát triển thủy điện trên toàn quốc và loại bỏ 423 dự án thủy điện, chiếm 34.2% trong tổng số 1,239 dự án.


Thủy điện Mekong không ảnh hưởng nghiêm trọng đến ĐBSCL vì thủy điện không lấy mất nước, nước đi qua đập rồi cũng sẽ về ĐBSCL và đi ra biển và vì có nói gì trước sau họ vẫn đắp, nên chúng ta cần chủ động tìm biện pháp ứng phó cho ĐBSCL: mất nguồn thủy sản tự nhiên thì có thể phát triển thủy sản nuôi thay thế, mất phù sa thì tăng phân bón, sạt lở thì làm công trình bảo vệ.


Đồng bằng Sông Cửu Long bắt đầu được hình thành khoảng 6000 năm trước do quá trình miệt mài nhiều ngàn năm vận chuyển phù sa của Sông Mekong bồi đắp tạo nên.  Nếu không có quá trình Kiến tạo đồng bằng (delta building process) tự nhiên của Sông Mekong thì đã không có vùng châu thổ Cửu Long trên đời. Quá trình này sẽ bị ngưng khi các đập thủy điện Mekong xây dựng xong và quá trình ngược lại sẽ xảy ra, gây gia tăng sạt lở bờ sông, bờ biển.


Toàn bộ sự sống trong Lưu vực Mekong đã tiến hóa thích nghi trong nhiều ngàn năm với điều kiện môi trường do Sông Mekong tạo ra theo chu kỳ hàng năm.  Nền “văn minh sông nước” ở ĐBSCL là một ví dụ sinh động về sự thích nghi đó, thể hiện qua nhiều mặt: thời vụ canh tác, đánh bắt thủy sản, giao thông thủy, sản vật, kể cả nét văn hóa và tính cách con người.


Nói tới nước là nói về 3 khía cạnh: số lượng, chất lượng, và thời gian.  Về số lượng, có thể các đập thủy điện cuối cùng sẽ trả lại nước cho dòng sông, nhưng về thời gian sẽ bị đảo lộn. Nước về ĐBSCL sẽ tùy thuộc vào sự vận hành của các nhà vận hành đập, với sự vận hành đập vì mục đích tối đa hóa lợi nhuận từ phát điện trên hết. Sự đảo lộn bất thường thời gian nước đến và nước đi sẽ gây xáo trộn nhiều mặt về thời vụ canh tác, loại hoa màu, công trình điều tiết nước, chi phí và năng suất canh tác, ảnh hưởng hệ sinh thái, văn hóa và tất cả các mặt đời sống ở ĐBSCL.


Ở ĐBSCL có bốn mùa nước, hai mùa chính là mùa nước nổi và mùa khô và hai mùa phụ, chỉ kéo dài vài tuần, là hai mùa chuyển tiếp giữa hai mùa chính.  Các mùa chuyển tiếp có vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hệ sinh thái, khi đó cá và các loài sinh vật nhận được “tín hiệu dòng sông” và bắt đầu di cư, sinh sản, hoặc thực hiện các hoạt động khác trong chu trình sống. Ví dụ nước lên thì điên điển mới trổ bông.


Khi các đập thủy điện Mekong xây dựng, do tác động tích và xả nước của các đập thủy điện, các mùa chuyển tiếp này sẽ bị rút ngắn hoặc biến mất hoàn toàn, mùa khô sẽ chuyển sang mùa nước và ngược lại sẽ đột ngột trong vài ngày thì các loài sinh vật sẽ bị rối loạn về mùa và không thể thực hiện được các hoạt động trong chu kỳ sống như di cư, tìm mồi, sinh sản, v.v.


Phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền ở vùng ven biển ĐBSCL là sự cân bằng động giữa dòng chảy nước ngọt sông Mekong đẩy ra và nước mặn từ biển đẩy vào. Khi dòng chảy Mekong yếu đi vào mùa khô thì nước biển vào sâu hơn trong đất liền và ngược lại khi dòng chảy Mekong mạnh hơn vào mùa nước thì mặn bị đẩy ra. Đây là sự cân bằng tự nhiên hằng năm. Khi các đập thủy điện Mekong xây dựng, dòng chảy thay đổi bất thường thì sự cân bằng mặn ngọt cũng sẽ thay đổi bất thường tức là ranh giới mặn ngọt sẽ thay đổi bất thường tùy vào sự vận hành đóng, mở của đập thủy điện.


Các đập thủy điện dòng chính Mekong sẽ cắt dòng Sông Mekong thành nhiều đoạn (compartments) với khoảng 90-100km phía trên mỗi đập biến thành hồ chứa nước để phát điện.  Khoảng hơn một nửa chiều dài dòng sông ở vùng Hạ Lưu vực (1750km) sẽ bị biến thành một loạt hồ.  Khi “dòng sông sống” (dòng sông cuồn cuộn chảy) bị biến thành một loạt hồ thì phù sa bị mất năng lượng dòng chảy sẽ lắng đọng tại các đoạn hồ này.  Theo Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược, khi các đập thủy điện dòng chính được xây dựng xong, tải lượng phù sa hàng năm của Sông Mekong (160 triệu tấn) sẽ giảm còn ¼.  


Việc giảm nguồn phù sa sẽ dấn đến hàng loạt hệ quả cho ĐBSCL bao gồm giảm nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho đất. Không có nguồn bồi đắp hàng năm đất sẽ bị bạc màu và năng suất lúa và hoa màu sẽ suy giảm và chi phí canh tác, phân bón, kiểm soát dịch bệnh sẽ tăng lên.  Đồng bằng Sông Cửu Long cũng như các đồng bằng do phù sa bồi đắp khác trên thế giới đều sụt lún tự nhiên do quá trình nén và sụt lún do tác động của con người như khai thác nước ngầm. Mất nguồn phù sa bù đắp hàng năm trên mặt, tốc độ sụt lún sẽ nhanh hơn cộng với tình hình nước biển dâng thì quá trình chìm xuống của đồng bằng sẽ nhanh chóng hơn.


Về mặt sinh thái, lưu vực Mekong không phải kết thúc ở bờ biển mà mở rộng ra một vùng ven biển (Mekong Plume). Năng suất sinh học của thủy sản ven biển ĐBSCL cao là nhờ nguồn dinh dưỡng bám vào phù sa Sông Mekong mang ra biển hàng năm. Khi nguồn dinh dưỡng giảm sẽ ảnh hưỏng thủy sản biển, đời sống ngư dân, các ngành công nghiệp phụ thuộc như chế biến, vận chuyển, thương mại thủy sản. 


Mất nguồn cá tự nhiên nước ngọt và ven biển sẽ ảnh huởng lớn đến dinh dưỡng của người dân, đặc biệt là người nghèo. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng lên toàn bộ dây chuyền hệ sinh thái, trực tiếp là các loài ăn cá như chim, rò, rùa, rắn, v.v


Tự tìm giải pháp thích ứng cho ĐBSCL là việc trước sau gì chúng ta cũng sẽ phải làm, nhưng các biện pháp thích ứng sẽ rất khó khăn và tốn kém cho ĐBSCL. Mất nguồn phù sa là nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho nông nghiệp thì có thể bù lại bằng cách tăng phân bón để duy trì năng suất, nhưng kinh nghiệm ở ĐBSCL cho thấy trường hợp canh tác lúa trong đê bao thiếu phù sa thì sau một thời gian khoảng 10-15 năm, dinh dưỡng đất sẽ cạn kiệt và dù có tăng phân bón thì năng suất vẫn giảm và tăng ô nhiễm môi trường nước.


Sạt lở do nguyên nhân cục bộ thì có thể có biện pháp khắc phục bằng công trình, nhưng sạt lở diễn do sự đảo lộn cân bằng diễn ra trên diện rộng thì khó có biện pháp nào ngăn lại được cho đến khi đạt sự cân bằng mới.  Kinh nghiệm đã cho thấy không có công trình bờ kè nào có thể chống được sạt lở vĩnh viễn. Khi sự cân bằng bị đảo lộn trên diện rộng, làm kè bảo vệ nơi này nghĩa là tăng sạt lở nơi khác.


Mất nguồn thủy sản tự nhiên thì có thể nghĩ tới phát triển thủy sản nuôi, nhưng cá nuôi không thể thay thế được cá tư nhiên vì cá nuôi có vốn đầu tư, chi phí cao, người nghèo không thể thực hiện được.  Nguồn thức ăn cho cá nuôi phụ thuộc vào cám từ thóc và nguồn cá nước ngọt tự nhiên và cá tạp ở biển để làm thức ăn trực tiếp và chế biến thức ăn công nghiệp. Thủy sản nuôi không đa dạng như thủy sản tự nhiên.  Thủy sản tự nhiên còn là nguồn thức ăn của các loài hoang dã khác (chim cò, rùa rắn) thì thủy sản nuôi không thể thay thế được.


(Còn nữa)

ThS. Nguyễn Hữu Thiện- Chuyên gia sinh thái Đồng bằng Sông Cửu Long
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Những "truyền thuyết hiện đại" về thủy điện Mekong (phần 2)

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Kiểm tra đột xuất về tài nguyên nước khi có phản ánh của báo chí

Kiểm tra đột xuất về tài nguyên nước khi có phản ánh của báo chí

(Tin Môi Trường) - Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; sụt, lún đất; gây lũ nhân tạo đột ngột hoặc phản ánh của báo chí.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI