»

Thứ bảy, 04/05/2024, 22:51:13 PM (GMT+7)

Phạt lao động công ích người xả rác bừa bãi: Cần làm ngay!

(05:19:03 AM 24/11/2023)
(Tin Môi Trường) - Tại một số quốc gia, hành vi xả rác bị phạt rất nặng và bị coi là hành vi đáng xấu hổ trong xã hội. Người vi phạm ngoài việc bị phạt tiền, lao động công ích (quét đường) còn phải mặc áo có dòng chữ đại ý "Tôi là kẻ xả rác bừa bãi"; có nơi còn phạt tù.
"Tôi vứt rác thì liên quan gì đến ông…" - đây là câu cự cãi của tài xế một hãng taxi lớn ở TPHCM khi người này bị một vị du khách nước ngoài nhắc nhở về hành động vứt hộp xốp đựng cơm cùng vỏ chai nước xuống lòng đường.Trong khi vị khách bày tỏ sự bất bình và yêu cầu người tài xế nhặt rác lên bỏ đúng nơi quy định, người này không mảy may đếm xỉa, lên xe và bỏ đi, bịch rác vẫn nằm yên chỗ cũ.
 
Một người dân chứng kiến và dùng điện thoại quay lại, đăng lên mạng xã hội. Đoạn clip lập tức lan truyền nhanh chóng. Tôi nghĩ bất cứ ai khi xem cũng cảm thấy xấu hổ thay và bất bình với hành động vô ý thức của người tài xế. Có điều, hành động và phản ứng của tài xế trên có lẽ không phải là cá biệt. Tình trạng xả rác bừa bãi vẫn xảy ra thường xuyên ở nhiều nơi, đồng nghĩa với ý thức kém của một bộ phận không nhỏ người dân.
 
Thậm chí, Sở Giao thông Vận tải TPHCM gần đây đã phải gửi "công văn khẩn" cho Sở Tài nguyên và Môi trường phản ánh, tình trạng người dân thiếu ý thức xả rác xuống lòng đường không được cải thiện. Tại một số tuyến đường, chỉ thời gian ngắn sau khi quét dọn sạch, người dân lại tiếp tục xả rác.
 
Phạt[-]lao[-]động[-]công[-]ích[-]người[-]xả[-]rác[-]bừa[-]bãi:[-]Cần[-]làm[-]ngay!
Tình trạng rác thải tràn xuống mặt đường trên đường Nguyễn Hữu Cảnh hồi giữa tháng 10 vừa qua (Ảnh: Quang Huy).
 
Trong số các giải pháp được đưa ra, Sở GTVT TPHCM kiến nghị thành lập lực lượng chuyên trách kiểm tra, theo dõi, thực hiện các biện pháp xử phạt hành chính đối với người có hành vi xả rác bừa bãi. Các địa phương có thể nghiên cứu việc phạt tiền, phạt lao động công ích dọn vệ sinh, kiểm điểm ở khu dân cư...
 
Những biện pháp nói trên thực ra không mới và đã được một số địa phương áp dụng. Phường 13 quận Gò Vấp từ năm 2018 đã thí điểm lập tổ tự quản để tuần tra, bắt quả tang người vi phạm. Bên cạnh phạt vi phạm hành chính còn giữ phương tiện, buộc lao động công ích xong mới được lấy xe về (bao gồm cả những xe ô tô trị giá hàng tỷ đồng).
 
Việc điều chỉnh hành vi người dân bằng các biện pháp phạt hành chính như phạt tiền là cần thiết và thường mang lại hiệu quả nhất định. Mức phạt càng cao càng có tính răn đe. Đồng thời, yêu cầu lao động công ích dọn vệ sinh có thể coi là biện pháp khắc phục hậu quả, qua đó người vi phạm thấy được tác hại của hành vi xả rác gây ra cho môi trường và xã hội.
 
Tương tự, để bảo vệ mĩ quan đô thị, trả lại hiện trạng cho những bức tường trống, cửa cuốn nhà dân, công trình xây dựng, đến các trạm biến thế, tủ điện, trạm chờ xe buýt,… bị xịt sơn, vẽ bậy, cơ quan chức năng cũng rất "đau đầu" trong vấn đề bắt quả tang và xử phạt.
 
Vài ngày trước, Công an phường Bến Thành, quận 1, TPHCM lập biên bản xử phạt 1,5 triệu đồng đối với nam thanh niên tên L.T.Đ. (27 tuổi, ngụ quận 1) do phun sơn lên tường nơi công cộng mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền. Người này bị yêu cầu dùng sơn trùng với màu tường xịt trả lại hiện trạng ban đầu và cam kết không tái phạm.
 
Trong xử phạt, để người vi phạm nhận thức được sai lầm và "chừa" hẳn thì điều quan trọng là phải khiến họ nhận ra bản chất việc họ làm là phá hoại, có ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và bị xã hội lên án; phải để họ nhận ra phá hoại thì dễ, xây dựng, giữ gìn trật tự, mỹ quan đô thị mới là điều khó; và thẳm sâu người đó phải ý thức được bản thân là một phần của cộng đồng, của xã hội, phải biết bảo vệ môi trường chung.
 
Có những người ý thức cộng đồng kém đến nỗi, khi bị bắt quả tang về hành vi xả rác bừa bãi, vẽ bậy bạ, phá hoại tài sản công… vẫn ngoan cố, không hề biết xấu hổ, viện dẫn cả vị trí xã hội và các mối quan hệ để lấp liếm. Những trường hợp này nên tăng nặng mức phạt, không đơn thuần chỉ nộp tiền phạt hay thuê người khắc phục là xong, mà phải trực tiếp khắc phục: Người xả rác phải lao động công ích dọn rác, người xịt sơn, vẽ bậy phải tự tay sơn lại như ban đầu. Nếu tái phạm, mức phạt tự động nhân gấp đôi, gấp ba.
 
Tại một số quốc gia, hành vi xả rác bị phạt rất nặng và bị coi là hành vi đáng xấu hổ trong xã hội. Người vi phạm ngoài việc bị phạt tiền, lao động công ích (quét đường) còn phải mặc áo có dòng chữ đại ý "Tôi là kẻ xả rác bừa bãi"; có nơi còn phạt tù.
 
Ở nước ta, các quy định xử phạt cũng đã có. Chẳng hạn, Nghị định 155/2016/NĐ-CP, từ tháng 2/2017 mức xử phạt đối với các hành vi vứt rác thải bừa bãi tại khu chung cư, thương mại là từ 3 đến 5 triệu đồng; vứt tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định: từ 500.000 đến 1 triệu đồng; vứt rác thải lên vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước: từ 5 đến 7 triệu đồng...
 
Hay theo nghị định 144/2021, hành vi phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng; nếu hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức có thể bị phạt tiền 3-5 triệu đồng.
 
Hành vi viết, vẽ bậy lên tường, cửa nhà hoặc tường công cộng có thể cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại điều 178 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
 
Vậy, vì sao những tình trạng đó vẫn xảy ra, không chỉ một vài nơi mà nhiều nơi, không chỉ đôi khi, thỉnh thoảng mà thường xuyên, gây nhức nhối?
 
Trước hết, vi phạm đến từ việc xử phạt chưa nghiêm. Chưa bàn đến vấn đề có nên nâng mức xử phạt hay không, chỉ cần với những quy định có sẵn, một khi bắt quả tang người vi phạm thì phải xử lý nghiêm túc, không xuê xoa, thỏa hiệp…, chắc chắn là các hành vi thiếu ý thức với môi trường, mĩ quan đô thị sẽ giảm xuống đáng kể. Điều này cũng tương tự quá trình chúng ta áp dụng phạt người tham gia giao thông bằng xe máy không đội mũ bảo hiểm vậy!
 
Thứ hai, cần sớm áp dụng và phổ biến những hình thức xử phạt như đã bàn ở trên một cách nghiêm túc: ngoài yêu cầu nộp tiền phạt còn phải lao động công ích để khắc phục vi phạm.
 
Thứ ba, việc tìm ra thủ phạm của những vụ xả rác, bôi bẩn công trình công cộng sẽ khả thi, hiệu quả khi có sự vào cuộc và phối hợp của người dân và hệ thống camera an ninh, giám sát.
 
Trên thực tế, sự phản ứng quyết liệt, mạnh mẽ của số đông với hành vi sai trái cũng có tác động lớn về mặt tâm lý xã hội, khiến những cá nhân có ý thức kém hơn phải chùn tay trước khi thực hiện các hành vi xấu.
 
Điều cốt lõi vẫn là giáo dục ý thức từ trong gia đình, nhà trường đến ngoài xã hội. Còn nhớ nhiều năm trước khi con mới chập chững tập đi, một trong những điều đầu tiên mà tôi hướng dẫn con là vứt rác vào giỏ rác. Nhiều người làm cha làm mẹ cũng đều làm như vậy với con mình.
 
Vứt rác đúng chỗ là bài học đầu đời của trẻ, cũng là cách mà người lớn dạy con cái cần phải biết sống có ý thức ngay từ trong gia đình trước khi dần bước vào đời sống xã hội. Tôi cho rằng, đứa trẻ có ý thức tốt, lớn lên không thành công cũng thành nhân, có thể chưa rõ sẽ thành đạt thế nào nhưng sẽ là một công dân tốt.
 
Ở Nhật Bản, trẻ em được dạy về quy tắc phân loại rác, coi việc vứt rác bừa bãi là hành vi sai đạo đức. Việc vứt rác bừa bãi còn đối diện với án phạt tù và nộp phạt rất nặng, bị đăng thông báo bêu tên và phê bình, bị cộng đồng kỳ thị. Bởi vậy, cũng là con người ấy, nếu ở nơi khác có thể xả rác nhưng sẽ không dám xả rác bừa bãi ở Nhật. Cách làm của họ đáng để học hỏi!
 
Trở lại với vụ việc tài xế taxi xả rác đề cập ở trên, được biết, hãng taxi sau khi nắm vụ việc đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với nam tài xế. Lãnh đạo hãng cho biết đã đem clip trên gửi cho tất cả tài xế xem để chỉ ra điều sai trái, đồng thời gửi lời xin lỗi nam du khách và mong mọi người thông cảm vụ việc không hay này. Tôi đồng ý việc kỷ luật và hi vọng sự việc này sẽ là bài học cho cá nhân tài xế cũng như nhiều người khác về ứng xử xã hội, song tôi thiết nghĩ, câu xin lỗi không nên chỉ gửi riêng nam du khách mà cần là câu xin lỗi tới cộng đồng.
(BÍCH DIỆP - báo DTO)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Phạt lao động công ích người xả rác bừa bãi: Cần làm ngay!

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
CPECO
Không xả rác
VACNECPECO
 Đồng bằng sông Cửu Long "thuận thiên" để phát triển bền vững

Đồng bằng sông Cửu Long "thuận thiên" để phát triển bền vững

(Tin Môi Trường) - Việc bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên ở vùng đất "Chín Rồng" là thách thức cần nhiều giải pháp đổi mới và sáng tạo gắn với kinh tế xanh. Vựa nông sản của đất nước

Tin Môi Trường
 Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?

VACNE 30 năm
Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI