»

Thứ năm, 09/05/2024, 20:14:51 PM (GMT+7)

Toàn văn báo cáo công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường 6 tháng đầu năm 2015

(21:29:24 PM 22/07/2015)
(Tin Môi Trường) - Tin Môi Trường giới thiệu nội dung: "Báo cáo về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường 6 tháng đầu năm 2015, tình hình triển khai thi hành Luật bảo vệ môi trường năm 2014". Toàn bộ nội dung sẽ được trình bày tại Hội nghị tập huấn công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đối với đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở Tài nguyên và Môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 25/7/2015 tại tỉnh Nghệ An.

Báo[-]cáo[-]về[-]công[-]tác[-]quản[-]lý[-]nhà[-]nước[-]trong[-]lĩnh[-]vực[-]môi[-]trường[-]6[-]tháng[-]đầu[-]năm[-]2015

Ảnh minh họa: TL

 

BÁO CÁO CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ  MÔI TRƯỜNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2015, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG
CUỐI NĂM 2015 VÀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2014

 

I. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về môi trường 6 tháng đầu năm 2015


1. Về chính sách, pháp luật về môi trường


Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã được  các Bộ, ngành trung ương và địa phương tích cực, khẩn trương xây dựng và ban hành. Chỉ tính riêng tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm 2015 đã ban hành và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 13 văn bản, bao gồm 04 Nghị định, 02 Quyết định và 09 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường năm 2014 (Danh mục các văn bản tại Phụ lục 1 kèm theo báo cáo). Để cụ thể hoá một số điều, khoản theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, nhiều Bộ, ngành, địa phương cũng đã và đang nghiên cứu ban hành các quy định, kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường trong ngành, lĩnh vực và trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.


Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2015, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tiếp tục được quan tâm hoàn thiện, tạo được hành lang pháp lý cần thiết cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.


2. Nâng cao năng lực tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường


Ở Trung ương, công tác kiện toàn Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được hoàn thiện với 18 đơn vị trực thuộc: Văn phòng, 04 Vụ Tổng hợp, 07 Cục quản lý chuyên ngành (tăng 03 Cục so với trước đây, trong đó có 02 cục vùng: Cục Môi trường miền Trung - Tây Nguyên và Cục Môi trường miền Nam); 06 đơn vị sự nghiệp và thêm 02 Chi cục Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Các Cục, Vụ chuyên  môn về môi trường thuộc các Bộ quản lý ngành tiếp tục được kiện toàn để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, bao gồm:  Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), Vụ Môi trường (Bộ Giao thông vận tải), Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), Cục Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng), Cục Khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc Tổng cục IV, C49 (Bộ Công an), Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Xây dựng).   


Ở địa phương, cơ cấu tổ chức quản lý môi trường cũng tiếp tục được kiện toàn từ cấp tỉnh đến cấp xã, đến tháng 6 năm 2015 đã có 63 Chi cục Bảo vệ môi trường, 62 Trung tâm Quan trắc môi trường; 708 Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện và 11.148 cán bộ địa chính - xây dựng và môi trường cấp xã.


Ở cấp độ liên vùng, một số tổ chức/Ủy ban lưu vực sông đã được thành lập và tiếp tục được kiện toàn như: Ủy ban bảo vệ môi trường các lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy và lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.


Bên cạnh việc tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2015, việc điều chỉnh, phân công, phân cấp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được điều chỉnh phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, cụ thể như  theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, chức năng quản lý môi trường một số lĩnh vực chuyên ngành về chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường,… được phân công cho các Bộ, ngành có liên quan cùng tham gia thực hiện nhưng đến Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 quy định về quản lý chất thải và phế liệu đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất quản lý nhà nước về chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý, tránh chồng chéo.


 Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2015, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cũng luôn được các Bộ, địa phương tích cực triển khai thực hiện .


3. Về tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường


3.1. Triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014


Ngay sau khi Luật bảo vệ môi trường năm 2014 được thông qua, bên cạnh việc tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành, trình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; để bảo đảm sự thống nhất, phù hợp giữa các quy định hiện hành với quy định của Luật, lĩnh vực môi trường đã hoàn thiện việc rà soát tổng thể các văn bản có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương đều hoàn thành đề xuất danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần tiếp tục xây dựng trong năm 2015, 2016 để các quy định của Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.


Bên cạnh đó, các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố  đã tích cực tổ chức triển khai nhiều chương trình phổ biến, giáo dục nội dung của Luật bảo vệ môi trường năm 2014 nhằm nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường cho cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; tích cực triển khai xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá, theo dõi tình hình thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.


 3.2. Công tác thẩm định và đánh giá tác động môi trường


Công tác đánh giá tác động môi trường đã thực sự trở thành công cụ quản lý nhà nước về môi trường có hiệu quả, đóng góp đáng kể trong việc phòng ngừa ô nhiễm, giảm thiểu các tác động xấu lên môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội.


Trong 6 tháng đầu năm 2015, có 11 dự án chiến lược, quy hoạch đã thực hiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; hơn 200 dự án đầu tư đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt 151 báo cáo; hơn 2000 dự án, hoạt động đầu tư đã được các địa phương xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường; 2.223 đề án bảo vệ môi trường chi tiết và 33.909 đề án bảo vệ môi trường đơn giản của các cơ sở đang hoạt động chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường theo quy định đã được các Bộ, địa phương xác nhận; 1.863 hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường được kiểm tra, xác nhận, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác nhận 150 dự án, các Bộ, ngành và địa phương là 1.713 dự án.  


Bên cạnh đó, công tác đôn đốc, kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng của công tác thẩm định, phê duyệt các báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường tiếp tục được đẩy mạnh; nhiều hội thảo tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật các hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra việc thực hiện các quy định về thẩm định và đánh giá tác động môi trường tế cũng được tổ chức.


Nhìn chung, thông qua công tác thẩm định, hầu hết các quy hoạch đều phải điều chỉnh để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, các dự án đầu tư đều phải tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường; đặc biệt thông qua công tác kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, nhiều công trình xử lý môi trường của các dự án đã được điều chỉnh để đảm bảo các yêu cầu chất thải đầu ra trước khi đưa dự án vào hoạt động chính thức.


3.3. Công tác kiểm soát ô nhiễm


Trong 6 tháng đầu năm 2015, công tác kiểm soát ô nhiễm tiếp tục được coi là hoạt động trọng tâm trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Hoạt động quan trắc môi trường ở cả Trung ương và địa phương được duy trì và phát triển, từng bước được quy hoạch gắn liền với quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn. Ở cấp Trung ương, đang tiếp tục duy trì 07 chương trình quan trắc môi trường tại các lưu vực sông và 05 chương trình quan trắc môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm . Ở cấp địa phương, tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2015, đã có hơn 100 đơn vị được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện dịch vụ quan trắc môi trường, tổ chức triển khai thực hiện hàng trăm chương trình quan trắc môi trường.


Cùng với việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm đối với từng thành phần môi trường nước, đất, không khí, trong thời gian qua, hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các nguồn gây ô nhiễm môi trường cũng được triển khai tích cực, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, làng nghề, các đô thị, các lưu vực sông bị ô nhiễm nặng; qua đó cung cấp các thông tin cần thiết cho công tác giáo dục truyền thông, xây dựng các chương trình, dự án khắc phục ô nhiễm. Theo số liệu thống kê đến cuối tháng 6 năm 2015, trong tổng số 214 khu công nghiệp đang hoạt động trong cả nước có 166 khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 78%), 24 khu công nghiệp đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải (chiếm 11%). Công tác kiểm tra, giám sát và bảo vệ môi trường làng nghề cũng được quan tâm thông qua việc triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 ; tập trung triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015 với trọng tâm ưu tiên khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề tại 47 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng .


Bên cạnh đó, công tác quản lý nhập khẩu phế liệu cũng từng bước được điều chỉnh và đạt được kết quả nhất định. Một số văn bản quan trọng quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu  đã được ban hành. Công tác theo dõi, cập nhật tình hình nhập khẩu, sử dụng phế liệu trên phạm vi cả nước cũng được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, qua đó góp phần kiểm soát chặt chẽ việc phá dỡ, thu hồi phế liệu, xử lý và tiêu hủy chất thải theo đúng quy định, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu hoạt động thuận lợi đúng pháp luật .


3.4. Công tác quản lý chất thải và cải thiện môi trường


Trong 6 tháng đầu năm 2015, công tác quản lý chất thải và cải thiện môi trường tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, trong đó tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành  Nghị định  số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu với nhiều điểm mới, phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014. Một số văn bản quan trọng đang được khẩn trương xây dựng như: Thông tư quy định về quản lý chất thải rắn thông thường và tiêu hủy xe ưu đãi, miễn trừ và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay, hầu hết các địa phương đã có Quy hoạch quản lý chất thải rắn, nhiều địa phương đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo thu gom trên 80% lượng chất thải rắn của địa phương.


Công tác xử lý chất thải nguy hại được quy định và quản lý chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, thông qua việc cấp phép, kiểm tra giám sát các đơn vị xử lý chất thải nguy hại. Tính đến tháng 6 năm 2015, trên toàn quốc có 83 doanh nghiệp với 56 đại lý có địa bàn hoạt động từ hai tỉnh trở lên và khoảng 130 đơn vị (chủ yếu là đơn vị vận chuyển chất thải nguy hại) được các Bộ, ngành và địa phương cấp phép đang hoạt động. Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm đã cấp mới, gia hạn, điều chỉnh 36 lượt Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại. Tổng số lượng chất thải nguy hại được thu gom, xử lý được trong 6 tháng đầu năm 2015 là 166.025 tấn.


Hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; cải tạo, phục hồi môi trường nước lưu vực sông, khắc phục ô nhiễm môi trường do quá trình phát triển đô thị, làng nghề và khu công nghiệp; cải tạo, phục hồi môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật, PCB và Dioxin gây ra đã được các Bộ, địa phương đẩy mạnh. Tính đến hết tháng 6 năm 2015, cả nước có hơn 3.000 Đề án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt với tổng số tiền ký quỹ gần 3.800 tỷ đồng; 40/63 tỉnh, thành phố đã lập các Quỹ Bảo vệ môi trường để tiếp nhận và quản lý tiền ký quỹ; trong đó trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định, phê duyệt được 04 Đề án cải tạo, phục hồi môi trường .


3.5. Công tác bảo vệ môi trường các lưu vực sông, nước biển ven bờ


Công tác bảo vệ môi trường tại 03 lưu vực sông: sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy, hệ thống sông Đồng Nai đã được quan tâm triển khai có hiệu quả. Tính đến nay, đã có 22/22 tỉnh, thành phố trên 03 lưu vực sông đã phê duyệt và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông tại mỗi tỉnh, thành phố; 16/16 tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy và hệ thống sông Đồng Nai đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án trên địa bàn. Bên cạnh việc chủ động, tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách bảo vệ môi trường lưu vực sông, nhiều quy định về hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, chất lượng nước mặt đã các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, ban hành góp phần bảo vệ môi trường lưu vực sông. Theo Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông đã được quy định gắn liền với việc đánh giá sức chịu tải của sông và hạn ngạch xả nước thải vào các lưu vực sông.  


Trong 6 tháng đầu năm 2015, công tác nghiên cứu, xây dựng và chuyển giao công nghệ một số mô hình xử lý nước thải sinh hoạt chi phí thấp cho cụm dân cư đô thị thuộc lưu vực sông Cầu và lưu vực sông Sông Nhuệ - Đáy ở thành phố Hà Nội, Ninh Bình, Thái Nguyên tiếp tục được Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện; đề xuất biện pháp nhân rộng mô hình cho các địa phương trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn tích cực hướng dẫn các địa phương điều tra, đánh giá các nguồn nước thải, quan trắc môi trường nước nhằm hoàn thiện siêu cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý về môi trường nước sông.


 Đến nay, nhiều dự án đầu tư lớn tại các lưu vực sông đã được quan tâm đầu tư thực hiện, trong đó có 21 dự án thuộc hạng mục xử lý nước thải khu đô thị, dân cư, bệnh viện, trong đó có 08 dự án trên 03 lưu vực sông thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015  đã được triển khai. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cũng đã chủ động triển khai các dự án cải tạo, nạo vét, khai thông dòng chảy và vệ sinh môi trường nước, nâng cấp các hệ thống bơm tiêu thoát nước, xử lý nước thải đồng thời phối hợp giải quyết một số vấn đề liên địa phương với kinh phí nhiều tỷ đồng .


Công tác bảo vệ môi trường tại các lưu vực sông liên tỉnh, liên quốc gia khác cũng được đẩy mạnh thông qua việc thiết lập các chương trình kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật lưu vực sông liên tỉnh, chương trình quan trắc môi trường tại các lưu vực sông liên tỉnh.


3.6. Thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng


Công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, có 389/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cơ bản đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để (chiếm 88,61%); còn 50 cơ sở chưa hoàn thành (chiếm 11,39%), trong số đó có 26 cơ sở hoạt động công ích (18 bãi rác, 8 bệnh viện) đã được Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời hạn xử lý đến 31 tháng 12 năm 2015 theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg. Như vậy, nếu không tính 26 cơ sở công ích đã được gia hạn, đến nay tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg đã hoàn thành các biện pháp xử lý là 389/413 cơ sở (đạt tỷ lệ 94,19%). Điều đó cho thấy các cơ chế, chính sách và biện pháp được thực hiện trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả tích cực.  


Thực hiện Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương tích cực triển khai nhiều biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tính đến tháng 6 năm 2015, trong số 186 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thời hạn xử lý đến 31 tháng 12 năm 2015 (trong đó không tính 43 cơ sở còn tồn đọng từ Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg chuyển sang) đã có 140 cơ sở cơ bản hoàn thành biện pháp xử lý, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm tỷ lệ 75,27%). Đồng thời, hầu hết các các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg đều đã thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian xử lý triệt để theo danh mục và biện pháp xử lý theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã góp phần giảm thiểu tác động và ô nhiễm môi trường tới cộng đồng.


3.7. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học


Sau hơn sáu năm triển khai thực hiện Luật đa dạng sinh học năm 2008, đến nay công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học ở nước ta đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học đã được xây dựng và ngày càng được hoàn thiện tạo sự thống nhất, đồng bộ, trong đó Chính phủ đã ban hành 8 văn bản , 02 Nghị quyết ; Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 văn bản ; các Bộ, ngành đã xây dựng, ban hành 13 văn bản . Bên cạnh đó, thực hiện Khoản 1 và Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 65/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đa dạng sinh học; danh sách các khu bảo tồn đã được xây dựng và công bố tại Quyết định số 1107/QĐ-BTNMT ngày 12/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.


 Hoạt động giáo dục, đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, tăng cường thực hiện. Nhiều hội thảo, khóa tập huấn về bảo tồn đa dạng sinh học được tổ chức triển khai trên cả nước, các ấn phẩm, tài liệu và các nội dung truyền thông đa dạng sinh học được phổ biến rộng rãi tới cộng đồng địa phương. Nhiều hướng nghiên cứu ứng dụng phục vụ công tác quản lý đa dạng sinh học đã được đẩy mạnh trong thời gian qua như quan trắc đa dạng sinh học, quy hoạch đa dạng sinh học, chi trả dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học, bồi hoàn đa dạng sinh học, đánh giá mức độ tổn thương các hệ sinh thái, lượng giá thiệt hại, lượng giá kinh tế tài nguyên đa dạng sinh học,...


Việc thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học cũng được chủ động triển khai. Đến nay có 10 tỉnh  phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, 20 tỉnh hiện đang xây dựng; hầu hết các tỉnh đã xây dựng Kế hoạch hành động đa dạng sinh học cấp tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, đã phối hợp với Ban thư ký Công ước Ramsar chính thức công nhận 02 Khu Đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế là: Láng Sen, khu thứ 2227 của Thế giới (khu thứ 7 của Việt Nam) và U Minh Thượng, khu thứ 2228 của thế giới (khu thứ 8 của Việt Nam). Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt các Công ước, hiệp ước quốc tế khác về Đa dạng sinh học mà Việt Nam là thành viên như Nghị định thư Cartagena, Công ước về các loài hoang dã di cư, Hợp tác về đường bay của các loài chim di cư; tham dự Phiên họp của Nhóm công tác ASEAN về đa dạng sinh học năm nay nhằm chuẩn bị cho năm 2016 Việt Nam đăng cai nước chủ nhà.

 

Toàn[-]văn[-]báo[-]cáo[-]công[-]tác[-]quản[-]lý[-]nhà[-]nước[-]trong[-]lĩnh[-]vực[-]môi[-]trường[-]6[-]tháng[-]đầu[-]năm[-]2015

Ảnh minh họa: TL


3.8. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, các điểm nóng về môi trường


Trong thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra đã được Bộ Tài nguyên và môi trường, các Bộ, ngành, địa phương triển khai một cách thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo được sự đồng thuận cao trong xử lý các cơ sở vi phạm pháp luật về môi trường, được dư luận và xã hội đồng tình, ủng hộ.


Trong 6 tháng đầu năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 467 Kết luận thanh tra đối với 467 cơ sở, khu công nghiệp được thanh tra vào quý IV năm 2014; đã lập biên bản và ban hành 162 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền xử phạt khoảng 20,5 tỷ đồng và 18 Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định; đang tiếp tục tổ chức các Đoàn thanh tra trên địa bàn các tỉnh, thành phố về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, tình hình thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 1788/QĐ-TTg. Bên việc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên, hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nghiêm trọng đã được thực hiện tốt, cụ thể: năm 2014 đã kiểm tra đột xuất, phát hiện vi phạm của các công ty sản xuất hóa chất trong khu công nghiệp Tằng Loỏng thuộc tỉnh Lào Cai, Công ty TNHH Thép Đồng Tiến, Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Phúc Lợi, Công ty cổ phần dầu thực vật Quang Minh, Công ty Phát triển số 1 -TNHH MTV - Nhà máy tuyển quặng sắt Làng Mị, Công ty cổ phần Bitexco Nam Long; trong 6 tháng đầu năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo thanh tra đột xuất đối với 02 cơ sở tái chế thùng phuy gây ô nhiễm môi trường tại phường Đồng Mai, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 514.500.000 đồng, đồng thời buộc các cơ sở phải khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định của pháp luật) và Công ty TNHH Ánh Mai tại mỏ Cóc Chặng, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.


Tại hầu hết các địa phương, hoạt động thanh tra, kiểm tra pháp luật về bảo vệ môi trường đã trở thành hoạt động thường xuyên, trung bình hàng năm các địa phương tổ chức hơn 200 đoàn thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm trên địa bàn.


Nhìn chung, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung vào các nhóm hành vi: thực hiện không đúng các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận; quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định; xả nước thải, khí thải không đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; kê khai thiếu hoặc trốn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại và các loại phí môi trường khác. Công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường tại địa phương còn một số tồn tại hạn chế như lực lượng cán bộ làm công tác kiểm tra, thanh tra còn mỏng, năng lực còn hạn chế; chưa được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện cần thiết và chưa được bố trí kinh phí tương xứng để hoạt động; các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa được các địa phương xử lý kịp thời, thỏa đáng.  


3.9. Công tác truyền thông và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường


Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của toàn ngành, công tác truyền thông nhằm cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường trên các phương tiện truyền thông đã được đẩy mạnh và đạt được nhiều thành tựu. Hàng trăm chuyên mục, chuyên trang, chương trình của các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình với hàng  nghìn bài, tin, ảnh được đăng tải mỗi tháng đã kịp thời phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại các địa phương hoặc biểu dương những điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ môi trường.


Bên cạnh đó, nhận thức được vai trò của các lực lượng trong xã hội trong việc nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường, công tác giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng đã được quan tâm đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều sự kiện môi trường quốc gia và quốc tế như Ngày Đất ngập nước 2/2, Ngày Nước thế giới 22/3, Ngày Đa dạng sinh học 22/5; Ngày Môi trường Thế giới 5/6. Các hoạt động này đã trở thành động lực phong trào cho các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương triển khai hàng năm; nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường đã được hình thành và phát huy hiệu quả.


3.10. Hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường


Trong 6 tháng đầu năm 2015, công tác nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường tiếp tục được triển khai thực hiện theo 04 nhóm nội dung chủ yếu là: Nghiên cứu về xây dựng cơ chế, chính sách, công cụ, hệ thống quản lý trong bảo vệ môi trường; nghiên cứu về quy hoạch, dự báo, quan trắc và kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm môi trường; nghiên cứu về các mô hình, công nghệ giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường; nghiên cứu về cải thiện môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học .


Các đề tài nghiên cứu đã tập trung giải quyết các vấn đề ưu tiên, thực tiễn theo yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Kết quả nghiên cứu đã bước đầu đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, giải quyết tốt những vấn đề đặt ra từ các định hướng, chiến lược, chương trình của quốc gia và ngành môi trường. Các nghiên cứu góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, cơ chế quản lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường góp phần sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất được những giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý môi trường tại Việt Nam; đã biên soạn thành các sách chuyên khảo và các bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước (đến nay đã xuất bản 10 cuốn sách chuyên khảo và 42 bài báo được đăng tải trên các kỷ yếu hội thảo và tạp chí).


Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2015, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ đã hỗ trợ có hiệu quả cho công tác rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực môi trường; chỉ tính riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đang triển khai xây dựng, trình ban hành 18 TCVN và 11 QCVN trong lĩnh vực môi trường.  


3.11. Hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường


 Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực hội nhập quốc tế và mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia trên 20 Điều ước quốc tế về môi trường; đồng thời nghiêm túc thực hiện các cam kết trong các Điều ước quốc tế này, tham gia đầy đủ và có trách nhiệm các cuộc họp thường niên của các Công ước, liên Công ước, từ đó tranh thủ được sự hỗ trợ của quốc tế để thực hiện các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học...  


Bên cạnh việc tích cực tham gia các Điều ước, Công ước quốc tế, các Bộ, ngành, địa phương cũng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác đa phương và song phương về bảo vệ môi trường; đặc biệt, đã chủ động và tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về môi trường theo Kế hoạch tổng thể Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN trước khi hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Tính đến nay, đã có hơn 40 chương trình, dự án lớn về bảo vệ môi trường đã và đang được thực hiện với các đối tác chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thuỵ Sỹ, Đan Mạch, Thụy Điển,...Đặc biệt, Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về Thành phố bền vững về môi trường lần thứ 13 đã được tổ chức thành công; đang tích cực chuẩn bị tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 trong năm nay. Các nhiệm vụ đàm phán gia các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường trong khuôn khổ WTO và các hiệp định thương mại tự do khác cũng được thực hiện rất tích cực, nghiêm túc, đạt kết quả cao.


Nhìn chung, hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong thời gian qua đã góp phần tạo nên nguồn đầu tư đáng kể từ bên ngoài giúp tăng cường năng lực khoa học công nghệ cho ngành; tiếp thu kinh nghiệm của các nước, đưa ra các giải pháp kỹ thuật và công nghệ để xử lý ô nhiễm môi trường và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.    


3.12. Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường


Từ năm 2006, kinh phí chi cho sự nghiệp môi trường đã được bố trí chi không dưới 1% tổng chi ngân sách hàng năm; nguồn chi sự nghiệp môi trường đã được hình thành và quy định cụ thể tại các quy định của Luật và các văn bản có liên quan. Trong thời gian qua, chi thường xuyên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường đã tăng dần, đạt 1% tổng chi ngân sách, tính riêng năm 2015 ước đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, tăng hơn nhiều lần so với giai đoạn trước. Tại các địa phương, phần lớn nguồn vốn sự nghiệp môi trường được cân đối bố trí cho cấp huyện, cấp xã để hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải, giải quyết các vấn đề môi trường trên địa bàn, tạo tiền đề để từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường ở nông thôn và trong sản xuất nông nghiệp.


Với việc hình thành mục chi riêng ngân sách nhà nước về sự nghiệp môi trường đã tạo chuyển biến to lớn về đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường. Mặc dù đây chỉ là nguồn chi ngân sách thường xuyên, nhưng thực tế đã cho thấy nguồn chi này đã hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường (nhất là hoạt động quản lý môi trường) ở các Bộ, ngành và địa phương.


Bên cạnh nguồn sự nghiệp môi trường, kinh phí từ nguồn đầu tư xây dựng cơ bản và nguồn vốn ODA cũng đã được bố trí để xây dựng các công trình xử lý môi trường (xây dựng các bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh, hệ thống xử lý chất thải bệnh viện, nước thải sinh hoạt tập trung, lò đốt chất thải bệnh viện...), hỗ trợ xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư trang thiết bị quan trắc và phân tích môi trường, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

 

Toàn[-]văn[-]báo[-]cáo[-]công[-]tác[-]quản[-]lý[-]nhà[-]nước[-]trong[-]lĩnh[-]vực[-]môi[-]trường[-]6[-]tháng[-]đầu[-]năm[-]2015

Ảnh minh họa: TL


 II. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân


1. Tồn tại, hạn chế: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:


1.1. Một số quy định của Luật đa dạng sinh học đã bộc lộ sự bất cập, thiếu sự tương thích với một số đạo luật có liên quan như Luật thủy sản, Luật bảo vệ và phát triển rừng dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện


Sau 05 năm thực hiện Luật đa dạng sinh học, thực tế công tác quản lý nhà nước về đa dạng sinh học đã có nhiều thay đổi, một số nội dung đã không còn phù hợp, cần được cập nhật, điều chỉnh. Một số vấn đề liên quan đến đa dạng sinh học cũng cần được xem xét và bổ sung kịp thời như đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu; vấn đề phát triển các công cụ kinh tế trong công tác bảo tồn, phát triển quản lý hành lang đa dạng sinh học, điều tra, quan trắc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học,...Trong quá trình thực hiện, một số quy định của các luật về quản lý đa dạng sinh học bao gồm Luật đa dạng sinh học, Luật thủy sản, Luật bảo vệ và phát triển rừng đã bộc lộ những điểm khác nhau, chồng chéo dẫn đến khó khăn, bất cập trong công tác quản lý đa dạng sinh học.


1.2. Hệ thống tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường tuy đã được phát triển về số lượng, song còn yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phân cấp quản lý


Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 tiếp tục có sự phân cấp chức năng, nhiệm vụ tham gia quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho các Bộ, ngành và địa phương. Song thực tiễn cho thấy tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các địa phương còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phân cấp quản lý nói chung và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường các dự án đầu tư nói riêng; hoạt động kiểm tra, thanh tra tuy được triển khai khá mạnh mẽ nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn, đặc biệt khi các vi phạm này đang ngày càng tinh vi, phức tạp. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn một số bất cập như: việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước; cơ chế chịu trách nhiệm.


1.3. Đầu tư cho bảo vệ môi trường mặc dù bước đầu đã có chuyển biến tích cực song còn ở mức thấp; việc quản lý sử dụng nguồn chi sự nghiệp môi trường còn chưa hiệu quả


Đầu tư cho bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay vẫn còn ở mức độ khiêm tốn. Ở Trung Quốc và các nước ASEAN, đầu tư cho môi trường trung bình hàng năm đều chiếm trên 1% GDP, ở các nước phát triển thường chiếm từ 3- 4% GDP. Bên cạnh đó, do chi sự nghiệp môi trường có tính chất là nguồn chi thường xuyên nên kinh phí từ nguồn này không thể bố trí để đầu tư giải quyết triệt để các vấn đề môi trường bức xúc đang ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn chưa có quy định phân cấp nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường cho các cấp ngân sách ở địa phương (tỉnh, huyện, xã), chưa có phân công trách nhiệm của các Sở ban ngành, địa phương đối với quản lý, sử dụng kinh phí chi sự nghiệp môi trường.


1.4. Công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm đối với một số khu vực trọng điểm còn nhiều bất cập


Công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp về tổng thể chưa đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ môi trường; hoạt động của nhiều khu công nghiệp còn gây ô nhiễm do chất thải, đe dọa tới sự phát triển bền vững loại hình kinh tế này. Thêm vào đó, hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ; mạng lưới quan trắc, thống kê nguồn thải chưa đáp ứng yêu cầu, cơ sở dữ liệu còn thiếu đồng bộ.


Công tác quản lý môi trường làng nghề đã có những kết quả và chuyển biến tích cực nhưng mới mang tính chất cục bộ, thiếu tính bền vững và nhân rộng; ô nhiễm làng nghề vẫn là nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển bền vững các làng nghề Việt Nam.


Việc triển khai các Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông: Cầu, sông Nhuệ - Đáy, hệ thống sông Đồng Nai còn gặp nhiều lúng túng. Các Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông đã được hình thành và đi vào hoạt động nhưng quyền hạn và trách nhiệm chưa được xác định rõ, chưa phát huy được vai trò chỉ đạo, điều phối hoạt động bảo vệ môi trường các lưu vực, dẫn đến việc chậm chuyển biến trên thực tế, còn thiếu các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.


2. Nguyên nhân chủ yếu


2.1. Nguyên nhân khách quan


Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước làm gia tăng nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên cũng như nguy cơ tác động xấu đến môi trường trên diện rộng. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước bị chững lại trong giai đoạn 2011 đến nay dẫn đến đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội cho công tác bảo vệ môi trường bị giảm sút.


2.2. Nguyên nhân chủ quan


- Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vữn; trong chỉ đạo, điều hành, tư tưởng “ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường” còn phổ biến ở nhiều cấp ủy đảng và chính quyền.


- Ý thức về bảo vệ môi trường vẫn chưa trở thành thói quen, nếp sống của một bộ phận dân cư, các thói quen xấu gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như: vứt rác, chất thải, xác súc vật bừa bãi ở nơi công cộng, nguồn nước,... vẫn còn phổ biến. Ý thức chấp hành Luật bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh môi trường của các hộ sản xuất kinh doanh, nhất là các hộ sản xuất kinh doanh thuộc các làng nghề; của một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp.


- Công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên chưa thực sự hiệu quả; chưa huy động của sức mạnh toàn dân. Chưa có sự phân công cụ thể và đầu tư nguồn lực cho một tổ chức có chức năng quản lý nhà nước theo dõi toàn diện về xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.


- Ý thức thực thi trách nhiệm công vụ về bảo vệ môi trường của nhiều cán bộ các cấp ở trung ương cũng như địa phương trong điều hành, chỉ đạo và thực hiện công việc còn chưa tốt; dẫn tới tình trạng bỏ qua hoặc không tuân thủ đầy đủ các qui định pháp luật về bảo vệ môi trường.


- Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường tới cộng đồng dân cư còn hạn chế; việc thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa nghiêm, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.


III. Một số định hướng công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường 6 tháng cuối năm 2015


Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bảo vệ môi trường trên quan điểm phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong 6 tháng cuối năm 2015, các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số hoạt động chính như sau:


1. Triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2014; tổ chức tuyên truyền sâu rộng, phổ biến nội dung của Luật và các Nghị định hướng dẫn thi hành trong toàn hệ thống chính trị xã hội từ Trung ương đến địa phương; ban hành các văn bản hướng dẫn Luật; rà soát, chuyển đổi và xây dựng mới các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.


 2. Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả; tiếp tục đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý môi trường, đặc biệt là cán bộ ở cấp huyện, xã. Trước mắt cần tập trung triển khai hiệu quả Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương” và Đề án “Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường, ưu tiên cấp quận, huyện, phường, xã”.


 3. Nâng cao chất lượng công tác kế hoạch bảo vệ môi trường của các Bộ, ngành và địa phương, bảo đảm chi đủ và chi đúng, mức chi theo tốc độ phát triển kinh tế. Tăng cường xã hội hoá mạnh mẽ các nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường; đa dạng hóa nguồn đầu tư cũng như tăng tỷ lệ đầu tư cho môi trường từ nguồn vốn đầu tư phát triển và vốn ODA thông qua việc hướng dẫn, triển khai có hiệu quả quy địnhvề ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP.


4. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông và hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản; thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; hoàn thiện và triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.


5. Triển khai các hoạt động khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái nặng; trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường giai đoạn 2012-2015; tổ chức xây dựng hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu Hỗ trợ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và hoạt động sau thẩm định; thực hiện tốt công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm thông qua việc tổ chức xây dựng và hướng dẫn triển khai các văn bản về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, đất, kiểm soát phát thải hóa chất nguy hại; hướng dẫn áp dụng và đánh giá hiệu quả của hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường.


6. Thúc đẩy triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học và các văn bản quản lý về đa dạng sinh học đã được ban hành; đánh giá toàn diện việc tổ chức thực hiện Luật Đa dạng sinh học sau 5 năm, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả để triển khai trong thực tế, đưa Luật đa dạng sinh học vào cuộc sống.


7. Tiếp tục triển khai thực hiện các đề tài khoa học công nghệ; tiến hành nghiên cứu, xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm thực hiện thành công các đề tài khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường trong Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ môi trường, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo vệ môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình cộng đồng tự quản, mô hình bảo vệ môi trường tiên tiến.


8. Tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương, tập trung vào hoạt động xây dựng và đề xuất dự án với một số đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Mỹ, Trung Quốc, UNEP, UNDP, WB…; tổ chức đánh giá các kết quả thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN về 10 lĩnh vực môi trường trước khi hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31 tháng 12 năm 2015.


9. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường thông qua việc tổ chức thành công các sự kiện môi trường lớn trong 6 tháng cuối năm như Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 4; Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 và các sự kiện liên quan; Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn.

Tin Môi Trường
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Toàn văn báo cáo công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường 6 tháng đầu năm 2015

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
CPECO
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI