»

Thứ năm, 09/05/2024, 08:34:26 AM (GMT+7)

Nam Sài Gòn đến hẹn lại... hôi

(09:55:01 AM 12/06/2019)
(Tin Môi Trường) - Thời gian gần đây người dân khu phía nam Sài Gòn như Nhà Bè, Bình Chánh, quận 7, quận 8... lại liên tục phản ảnh mùi hôi từ rác ngày càng nồng nặc hơn. Nhiều hộ gia đình đã tìm cách bán gấp nhà cửa để tìm được nơi ở mới.

Nam[-]Sài[-]Gòn[-]đến[-]hẹn[-]lại...[-]hôi

Vào mùa mưa, bãi rác Đa Phước (H.Bình Chánh, TP.HCM) lan tỏa mùi hôi thối khắp nơi, tận khu Phú Mỹ Hưng (góc trên bên trái) - Ảnh: TỰ TRUNG

 
Từ phản ảnh của bạn đọc, phóng viên quay lại khu vực này và cảm nhận mùi hôi hiện diện 24/24.

Hôi quá không ngủ được!
 
Đã hơn 0h nhưng gia đình ông Trương Thế Phong ngụ tại đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè vẫn chưa ngủ được bởi mùi hôi rác theo hướng gió ùa về. Cả hai vợ chồng "hứng" mùi hôi nồng nặc xộc vào mũi, kéo dài cho đến 2h - 3h sáng. "Thêm một đêm nữa mất ngủ vì mùi hôi của rác" - ông Phong thở dài.
 
Ở khu vực xã Phước Kiển, các hộ dân tại đây đều phải đóng cửa chính lẫn cửa sổ nhà vì chịu không xiết mùi hôi mà theo họ là "muốn ói" này.
 
Bà K.H., ngụ tại xã Phước Kiển, cho biết những năm trước mùi hôi không nặng như bây giờ, mỗi năm mùi ngày càng nồng nặc hơn, đặc biệt là khi trời đổ mưa. 
 
Cứ có gió tây nam là mùi hôi đến hẹn lại bay đến và không có giờ giấc cụ thể, nhưng hôi "đậm đặc" nhất là vào ban đêm và sáng sớm. Bà mô tả "giống mùi phân". Bà H. cho rằng đây là mùi hôi hướng từ khu vực bãi rác Đa Phước.
 
Những khu dân cư, tòa nhà cao tầng hướng về phía nam là những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Người dân phải đóng cửa nhà liên tục cả đêm lẫn ngày. Đến bữa ăn họ cũng ăn vội cho xong bữa.
 
Bà Phan Kim Liên (67 tuổi), ngụ tại khu Grand View D khu vực Phú Mỹ Hưng (quận 7), cho biết sau khi về hưu, hai vợ chồng mua một căn hộ tại đây để an hưởng tuổi già, nhưng hiện tại mùi hôi liên tục ám ảnh gia đình. 
 
"Thương nhất là trẻ em. Nhiều cháu nhỏ ngồi học ở lớp cũng bị ảnh hưởng bởi mùi hôi. Cô giáo con tôi cũng than phiền về điều này. Tôi rất lo lắng cho sức khỏe của các cháu" - bà K.H. nói.
 
Để đối phó với mùi hôi, nhiều hộ dân đã mua máy lọc không khí có giá hàng triệu đồng đặt trong nhà để dễ ngủ vào ban đêm. 
 
"Bật máy lọc không khí cộng thêm máy lạnh và máy quạt khiến tiền điện hằng tháng của tôi tăng cao. Tuy nhiên trong nhà không hoàn toàn hết mùi hôi được, chỉ đỡ được một phần" - một người dân nói.
 
Gia đình ông Văn Dương ngụ tại Bình Hưng, Bình Chánh thì dùng một chiếc quạt to đặt trong nhà để thổi gió ra ngoài cho đỡ mùi. 
 
"Giờ muốn bán nhà cũng không biết bán cho ai bởi ai cũng biết chuyện khu này quá hôi rồi" - ông Dương than phiền.
 
Nam[-]Sài[-]Gòn[-]đến[-]hẹn[-]lại...[-]hôi
 
Công nghệ xử lý kém nên vẫn hôi?
 
Đại diện Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM cho hay từ năm 2016 (khi mùi hôi bắt đầu xảy ra) đến nay, sở yêu cầu Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) - chủ đầu tư khu xử lý rác Đa Phước - triển khai 10 giải pháp khống chế ô nhiễm mùi hôi.
 
Cụ thể như: bố trí thời gian, nhân sự, trang thiết bị, phương tiện tiếp nhận và xử lý chất thải hợp lý sao cho đảm bảo chất thải được tiếp nhận, xử lý nhanh nhất.
 
Các khu vực tiếp nhận chất thải di động ở các vị trí thấp để hạn chế khả năng khuếch tán mùi hôi theo chiều gió (hiện ô chôn lấp số 2 tại khu Đa Phước cao khoảng 14m); gia tăng lớp liner phục vụ công việc che phủ chất thải hằng ngày.
 
Bên cạnh đó, chất thải sau khi được chôn lấp, nếu đạt cao độ kỹ thuật, cần nhanh chóng che phủ; tăng cường số lượng, tần suất phun xịt chế phẩm sinh học khử mùi trong thời gian đang tiếp nhận chất thải và khu vực hồ chứa nước thải... 
 
Ngoài các giải pháp trên, VWS cũng đã lắp đặt thêm các đầu thu khí trên bãi chôn lấp nhằm giảm thiểu mùi hôi.
 
Tuy vậy, vị đại diện sở này nhìn nhận trong những ngày đầu tháng 5-2019 đến nay, sở vẫn tiếp tục nhận được một số phản ảnh qua đường dây nóng của người dân sống tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) về ô nhiễm mùi hôi xuất phát từ khu xử lý chất thải rắn Đa Phước.
 
Vì vậy, sở đã có công văn gửi UBND các quận, huyện như: quận 7, Bình Chánh, Nhà Bè... cũng như VWS để phối hợp ghi nhận thông tin, báo cáo định kỳ về mùi hôi phát sinh tại đây. 
 
Trên cơ sở đó, tiến hành điều chỉnh các giải pháp khống chế mùi hôi, hạn chế thấp nhất phát tán gây ảnh hưởng đến người dân.
 
Cũng theo vị đại diện sở này, công nghệ chôn lấp rác phù hợp với điều kiện kỹ thuật, kinh tế của TP.HCM khoảng 15 năm trước. 
 
Nhưng hiện nay công nghệ này có hạn chế là phát sinh vấn đề mùi hôi cùng nước rỉ rác so với công nghệ tiên tiến khác. 
 
Bên cạnh đó, từ khoảng tháng 5 đến tháng 11 hằng năm, độ ẩm cao cùng với đặc điểm hướng gió tây - tây nam thổi mạnh là một trong những nguyên nhân mùi hôi thường tăng mức độ khuếch tán và nồng độ nhiều hơn so với mùa nắng.
 
"Thành phố cũng đã nhìn nhận những tồn tại này và đã điều chỉnh định hướng trong thời gian tới là nâng cấp cải tạo các nhà máy, kêu gọi đầu tư chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện nhằm giảm vấn đề mùi hôi phát sinh" - đại diện Sở Tài nguyên - môi trường cho biết.
 
Dân phản ảnh trên fanpage, đường dây nóng
 
Để ghi nhận, phản ảnh vấn đề mùi hôi, cư dân khu Nam Sài Gòn đã lập ra 2 trang fanpage trên Facebook gồm trang "Sự thật mùi hôi thối ở Phú Mỹ Hưng" và trang "Sự thật mùi hôi thối ở Nam Sài Gòn".
 
Nam[-]Sài[-]Gòn[-]đến[-]hẹn[-]lại...[-]hôi
Dân lập trang fanpage và cung cấp đường dây nóng để người dân phản ảnh mùi hôi - Ảnh chụp lai
 
Các thành viên tham gia trang Facebook này khi phát hiện mùi hôi ở bất cứ thời điểm nào đều cập nhật để làm cơ sở phản ảnh với các cơ quan chức năng.
 
Đại diện quản trị trang fanpage này - chị Nguyễn Hồng Thu - cho biết thông qua "sổ nhật ký" này, các cư dân đã tập hợp gửi đơn kiến nghị tới nhiều cơ quan chức năng nhưng mùi hôi chưa được giải quyết triệt để.
 
Mới đây người dân tiếp tục phản ảnh chuyện mùi hôi vào số điện thoại nóng của UBND TP: 0888.247.247 cũng như phản ảnh trực tiếp vào số điện thoại di động của một cán bộ Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP.HCM.
 
PGS.TS Lê Văn Khoa (khoa môi trường và tài nguyên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM):
 
Công nghệ nào cũng phải đảm bảo môi trường
 
Nam[-]Sài[-]Gòn[-]đến[-]hẹn[-]lại...[-]hôi
Có thể việc chọn đặt vị trí khu xử lý rác Đa Phước chưa phù hợp khi xung quanh là nhiều khu vực đô thị hóa như khu dân cư Phú Mỹ Hưng...
 
Nhưng nhiệm vụ của đơn vị xử lý rác phải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường, không thể đổ cho lý do sử dụng công nghệ chôn lấp nên không thể giải quyết được vấn đề mùi hôi.
 
Khi đơn vị tiếp nhận, xử lý rác không đảm bảo vấn đề môi trường là cơ sở xem xét lại hợp đồng giao nhận rác, từ đó giảm số lượng rác đưa về đây, chứ không thể cứng nhắc theo hợp đồng đã ký kết, mùi hôi thì không giảm.
 
Để làm được điều này cũng cần phải rà lại khả năng tiếp nhận rác của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị tại khu xử lý rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi).
 
Ngày xưa, chúng ta có thể đánh đổi khu xử lý rác Phước Hiệp cho sự phát triển của khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.
 
Nhưng sau bao nhiêu năm, khu đô thị này không phát triển, trong khi khu đô thị Nam Sài Gòn thì chịu mùi hôi năm này qua năm khác.
 
Cơ quan chức năng cần cân nhắc việc chọn vị trí nơi xử lý rác nào hợp tình hợp lý. Bên cạnh đó, TP.HCM cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy đốt rác phát điện cũng như việc phân loại rác tại nguồn nhằm giảm khối lượng rác chôn lấp mà TP đặt ra.
 
Giải pháp đốt rác phát điện
 
Sau thời gian TP.HCM kêu gọi đầu tư lĩnh vực đốt rác phát điện (năm 2017) để giảm lượng rác chôn lấp, đến nay chưa có nhà máy đốt rác phát điện nào được xây dựng hoàn thành, trong khi thời gian xây dựng một nhà máy mất 24 - 28 tháng.
 
3 đơn vị có chức năng xử lý rác hiện nay cũng được yêu cầu chuyển đổi công nghệ xử lý rác sang đốt rác phát điện.
 
Đó là Công ty cổ phần Tâm Sinh Nghĩa, Công ty cổ phần Vietstar và VWS, mỗi đơn vị chuyển đổi sang đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn rác/ngày/đơn vị.
 
Với giải pháp này, Sở Tài nguyên - môi trường tự tin cho rằng đến năm 2020 tỉ lệ đốt rác phát điện sẽ đạt 60% (trong tổng lượng rác phát sinh khoảng 10.000 tấn/ngày), 40% lượng rác còn lại là chôn lấp.
 
Còn việc đấu thầu nhà máy đốt rác phát điện sẽ được thực hiện sau giai đoạn năm 2020 với khoảng 2 dự án có công suất khoảng 2.000 tấn rác/ngày/dự án.
 
Hiện tại VWS vẫn đang triển khai 10 giải pháp khống chế ô nhiễm mùi hôi.
 
Sở Tài nguyên - môi trường cho biết chỉ đạo Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP.HCM thường xuyên làm việc với VWS để tiếp tục xem xét đánh giá hiệu quả của các giải pháp khống chế mùi hôi.
 
NGỌC HÀ (Cần Đước, Long An):
 
Tôi phải đi đường vòng để tránh mùi hôi
 
Quê tôi ở huyện Cần Đước, Long An. Hơn tháng nay, tôi có việc gia đình nên mỗi cuối tuần tôi lại về dưới đó. Nếu tính từ bến xe buýt quận 8 đi theo quốc lộ 50 về Cần Đước tôi chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ.
 
Nhưng vì mùi hôi từ bãi rác Đa Phước và những đoàn xe chở rác chạy bạt mạng trên quốc lộ 50, tôi đã quyết định đi vòng ra quốc lộ 1, qua Bình Chánh, rẽ vào đường ĐT 826 về Cần Đước, chấp nhận mất gấp đôi thời gian đường về nhà.
 
Quả thực, mùi hôi ở khu vực này thật "kinh dị". Bạn cứ thử ngồi trên xe buýt trên quốc lộ 50, và không may gặp đoàn xe chở rác mới cảm nhận đầy đủ mùi "kinh dị" này. Chỉ cần hé tí cửa sổ, bạn sẽ thấy ngạt thở, buồn nôn. Bạn nên cầm theo chai dầu gió để đối phó.
 
Dù sao tôi cũng chỉ là khách đi ngang qua khu vực này. Tôi thấy thương những cư dân sinh sống và những người buôn bán, làm ăn nơi đây. Sao họ có thể sống được với mùi hôi như vậy?
 
Một người dân ở đây nói với tôi: "Chúng tôi quen rồi". Nghe thật đau xót.
QUANG KHẢI - THU HIẾN - CHÂU TUẤN (báo TT)
Từ khóa liên quan: Nam Sài Gòn, đến hẹn, lại, hôi
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Nam Sài Gòn đến hẹn lại... hôi

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
CPECO
Không xả rác
VACNECPECO
 Cá chết nổi dày đặc hồ sinh thái Bàu Sen ở Bình Định

Cá chết nổi dày đặc hồ sinh thái Bàu Sen ở Bình Định

(Tin Môi Trường) - Cá chết nổi trắng mặt hồ sinh thái Bàu Sen ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định), bốc mùi hôi khó chịu, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân gần đó.

Tin Môi Trường
 Giảm thiểu rác thải nhựa để phát triển du lịch Xanh

Giảm thiểu rác thải nhựa để phát triển du lịch Xanh

(Tin Môi Trường) - Theo ước tính, mỗi năm nước ta có hàng trăm triệu lượt khách trong và ngoài nước đi du lịch ở khăp các địa phương. Cùng với xu thế hiện đại, ngành Du lịch Việt Nam là một trong những ngành thường xuyên gây thêm mối nguy ô nhiễm cho môi trường nói chung và đại dương nói riêng, trong đó có rác thải nhựa. một nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trong nước. Thực tế cho thấy, rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch có hướng tăng dần theo từng năm và đang gây áp lực cho môi trường, phát sinh bệnh tật, ô nhiễm nguồn nước,…

VACNE 30 năm
 Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

(Tin Môi Trường) - Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh). Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Cần hạn chế đốn hạ cây xanh khi xây dựng các công trình

Cần hạn chế đốn hạ cây xanh khi xây dựng các công trình

(Tin Môi Trường) - Mới đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã báo cáo Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan về gói thầu di dời, đốn hạ cây xanh làm tuyến metro số 2.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI