»

Chủ nhật, 19/05/2024, 07:12:53 AM (GMT+7)

Người quay những thước phim cuối cùng về Hồ Chủ tịch

(19:34:28 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -"9h47 ngày 2/9, Bác trút hơi thở cuối cùng. Nén nỗi đau, chúng tôi cố gắng ghi lại hình ảnh thiêng liêng này, nhưng cứ đưa máy lên là nước mắt giàn giụa, ướt nhòa cả thước ngắm máy quay", ông Nguyễn Thanh Xuân nhớ lại.

Trong căn nhà nhỏ ở Làng Sen xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), thiếu tá Nguyễn Thanh Xuân đã kể về cuộc đời cũng như việc thực thi nhiệm vụ đặc biệt của mình.

 

Năm 1952, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước sang giai đoạn khó khăn, chàng trai 21 tuổi Nguyễn Thanh Xuân ở Làng Sen lên đường nhập ngũ tham gia các chiến dịch giải phóng Tây Bắc, Điện Biên Phủ… Kháng chiến chống Pháp thành công, Thanh Xuân tiếp tục cuộc đời binh nghiệp với nhiệm vụ tiếp quản thủ đô, tham gia diễu binh chào mừng chiến thắng, đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về từ chiến khu.

 

 

Nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân. Ảnh tư liệu.

 

Năm 1961, nhờ khả năng tổ chức văn nghệ, lại nhanh nhẹn và có năng khiếu nên Nguyễn Thanh Xuân được chuyển về công tác ở xưởng phim quân đội. Từ đây, người lính trẻ bắt đầu làm quen với chiếc máy quay Liên Xô và những thước phim.

 

“Mặc dù được phân công phụ trách khói lửa cho những cảnh quay về chiến trường, nhưng hễ rảnh là tôi lại mày mò chiếc máy quay phim. Sau những ngày tháng học lỏm về thước ngắm, góc ảnh, tiêu cự, lấy nét… tôi đã sử dụng thành thạo máy quay Convat của Nga. Thấy vậy, cấp trên cho tôi đi học lớp nghiệp vụ để về quay phim”, ông Xuân kể về cơ duyên đến với nghề quay phim.

 

Cùng với Trần Anh Trà, đạo diễn Phạm Quốc Vinh…, Nguyễn Thanh Xuân trực tiếp quay những hình ảnh tư liệu về Hồ Chủ tịch khi đi thăm chiến sĩ pháo cao xạ, hải quân.

 

“Chúng tôi rất xúc động với hình ảnh Bác Hồ xắn quần, lội ruộng thăm hỏi tình hình sản xuất của bà con nông dân như một lão nông tri điền; hình ảnh Bác chia kẹo cho thiếu nhi, chòm râu bạc trắng như một ông tiên với đôi mắt hiền từ bắt nhịp bài ca Kết đoàn và hát say sưa…”, người quay phim già kể.

 

Sáng 29/8/1969, hai nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân và Trần Anh Trà được Tổng cục Chính trị điều đi làm nhiệm vụ đặc biệt mà không biết đi đâu, làm gì. Nhận lệnh, hai người cẩn thận lau chùi lại máy móc, chuẩn bị phim nhựa rồi lên ôtô.

 

"Xe chở chúng tôi tới Phủ Chủ tịch. Một cảm giác thật lạ, một chút hồi hộp, một chút vui mừng vì lần đầu tiên được đến đây và một chút lo lắng cứ đan xen trong tôi. Gặp Bác, ai cũng lệ nhòa nước mắt.

 

Ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác cho biết sức khỏe của Bác rất yếu. Bộ Chính trị yêu cầu tổ làm phim quân đội ghi lại những giây phút có lẽ là cuối cùng của Người”, ông Xuân nhớ lại.

 

Ngày 30/8, đoàn làm phim được thông báo “Bác đỡ hơn”. Đến sáng 1/9, ông Vũ Kỳ lại thông báo sức khỏe Hồ Chủ tịch tiến triển không tốt. Chiều hôm đó, 2 nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân, Trần Anh Trà được mang máy vào phòng bệnh để ghi hình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm đó trong lặng im, đứng quanh là lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban bí thư, Quân ủy Trung ương…, ai cũng lặng thinh, xúc động.

 

 

Dù đã bước sang tuổi 80 nhưng khi nhắc đến những phút giây được ghi lại hình ảnh cuối cùng về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Xuân lại rưng rưng. Ảnh: T.P.

“Hai chiếc máy Liên Xô đều đã cũ, mỗi lần bấm máy lại phát ra những tiếng kêu rệu rạo nên chúng tôi rất ái ngại sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc Bác. Để hạn chế tiếng ồn, chúng tôi đã dùng các tấm xốp để cách âm và chăm chú vào thước ngắm”, ông Xuân nhớ lại.

 

“Sáng 2/9, ông Vũ Kỳ thông báo sức khỏe Bác rất yếu và yêu cầu chúng tôi mang máy vào. 9h47, Bác trút hơi thở cuối cùng trong tiếng nấc nghẹn ngào, thương xót của những người có mặt. Chúng tôi cố gắng ghi lại hình ảnh thiêng liêng này, nhưng cứ đưa máy lên là nước mắt giàn giụa, ướt nhòa cả thước ngắm máy quay. Khi đó, chúng tôi cứ mở ống kính ở độ rộng nhất và cứ thế mà quay", người quay phim nhớ lại.

 

Đến trưa, khi xe cứu thương chở thi hài Hồ Chủ tịch về Viện Quân y 108, ông Xuân lại được phân công ghi lại hình ảnh các chuyên gia Liên Xô tìm cách bảo vệ thi hài. Sau khi quay xong gần 5.000 mét phim nhựa lịch sử về những giây phút cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp xới cơm mời Bác, Bác dặn dò các lãnh đạo trong Bộ Chính trị..., toàn bộ hình ảnh được giao lại cho Xưởng phim quân đội để quản lý và bảo mật.

 

Năm 1989, khi UNESCO chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới, Điện ảnh Quân đội và Bảo tàng Hồ Chí Minh quyết định giao cho đạo diễn Phạm Quốc Vinh dựng bộ phim về những giây phút cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa trên hình ảnh mà hai nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân và Trần Anh Trà đã thực hiện.

 

"Đạo diễn Phạm Quốc Vinh đã dựng thành bộ phim Những giờ phút cuối đời Bác Hồ và được Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh duyệt ngày 17/4/1989. Từ đó đến nay, phim được chiếu thường xuyên ở Bảo tàng, các dịp lễ. Khi xem lại những hình ảnh mình ghi, tôi cũng không cầm được nước mắt vì xúc động”, ông Xuân tâm sự.

 

Bước sang tuổi 80 nhưng đôi mắt của nhà quay phim quân đội Nguyễn Thanh Xuân vẫn tinh anh, cương nghị. Góc bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong căn nhà nhỏ ở Làng Sen dù giản dị nhưng lúc nào cũng ấm cúng.

 

“May mắn được sinh ra trên quê hương Hồ Chủ tịch, được làm người lính cụ Hồ, được ghi lại những giây phút thiêng liêng, lịch sử mà xúc động về Người là niềm tự hào lớn nhất của cuộc đời tôi”, ông chia sẻ.

Theo Haf Nguyên Khoa/VnExpress
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Người quay những thước phim cuối cùng về Hồ Chủ tịch

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Loài cua khổng lồ nặng 4kg biết bóc tách vỏ dừa

Loài cua khổng lồ nặng 4kg biết bóc tách vỏ dừa

(Tin Môi Trường) - Loài cua dừa khổng lồ nặng trung bình khoảng 4kg một con, có khả năng bóc tách vỏ quả dừa, trở thành sinh vật thống trị hòn đảo xa xôi ở Nam Thái Bình Dương vì không có động vật bản xứ cạnh tranh.

Tin Môi Trường
 200 năm huyền thoại kênh Vĩnh Tế

200 năm huyền thoại kênh Vĩnh Tế

(Tin Môi Trường) - Kênh Vĩnh Tế hoàn thành không chỉ là di sản thủy lợi của triều Nguyễn để lại mà còn là khởi nguồn của một công cuộc quan trọng khác: khai hoang phục hóa vựa lúa miền Tây.

VACNE 30 năm
 Bộ rễ khủng cây di sản trùm kín miếu thờ ở Quảng Nam

Bộ rễ khủng cây di sản trùm kín miếu thờ ở Quảng Nam

(Tin Môi Trường) - Ngày 24-4, khi chứng kiến cây đa làng Bàng Tân (xã Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam) được công nhận là cây di sản Việt Nam, nhiều người ấn tượng với bộ rễ khủng của cây đa cổ thụ này chồm lên trùm kín làm mái lợp, tường bao cho gian miếu thờ phía dưới.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI