»

Chủ nhật, 19/05/2024, 05:10:20 AM (GMT+7)

41 tuổi, đẻ 16 con

(19:34:08 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Với suy nghĩ: “Trời sinh voi trời sinh cỏ”, bà Lý Thị Sú 41 tuổi đã đẻ liền một mạch 16 đứa con. Không những thế, cô con gái đầu lòng mới 24 tuổi, cũng đã trải qua 6 lần sinh. Kỷ lục này khiến bà được mệnh danh là… “vua đẻ” vùng biên.

Đi tìm “vua đẻ” 41 tuổi



Chính biệt danh này, mà “tên tuổi” của bà Lý Thị Sú, người dân tộc H’Mông, ở bản Ngài Là Thầu, xã Lao Chải (Vị Xuyên, Hà Giang) nổi… như cồn. Nay ở cái tuổi 41, bà đã có 2 con dâu, 3 con rể và 11 đứa cháu nội, ngoại.



Để được “yết kiến” cái sự đẻ… “vĩ đại”, khủng khiếp này, tôi đã vượt hơn 40km từ TP. Hà Giang tìm về Ngài Là Thầu.



Đường vào bản độc đạo, toàn đá và vực, khiến ôtô “chịu chết”, nên chỉ còn một cách duy nhất là… cuốc bộ.

 

Anh Cư Seo Chớ (trái), chị Lý Thị Sú (phải) và ông bà nội cùng các con, cháu, chắt.

Leo hết con dốc này, đến con đèo nọ, trồi lên hàng chục đỉnh núi, ai nấy mồ hôi nhễ nhại, thở ra cả lỗ tai mà vẫn chưa tới nơi. Gần 16h chiều chúng tôi mới đặt chân tới bản. Ngài Là Thầu nằm giữa lưng chừng núi, tựa lưng vào dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ. Xa xa lổm nhổm những ngôi nhà vách đất, lợp Phibrôximăng đã ố màu.



Để giao tiếp, chúng tôi phải nhờ đến Trưởng bản Cư Seo Sàng phiên dịch. Vốn tiếng Kinh ít ỏi, cộng thêm không biết chữ, nên ông Sàng cũng chỉ dịch được vài câu như trẻ… tập nói.



Ông Sàng cho biết, bản có 49 hộ/280 nhân khẩu, nhưng có đến 90% hộ nghèo, đói. Ruộng bậc thang chỉ có gần 10 ha, nên chè được coi là cây mũi nhọn của bản. Khổ nỗi, chè liên tục mất giá, lúa thì mất mùa, nên cuộc sống người dân nơi đây luôn chìm trong nghèo, đói…



Đặc biệt, bản có hơn 90% số người không nói được tiếng Kinh và 96% mù chữ. Chỉ có mấy cô, cậu đang học cấp 1 bặp bẹ được vài câu phổ thông. Trẻ em nơi đây đa số học hết lớp 3 - 4 là bỏ, mà theo ông Sàng thì: “Học cho có học thôi! Chứ lớp 5 rồi còn chưa biết đọc à!”. Cả bản chỉ có ông Ma Văn Hầu là học hết lớp 12 và được coi là “trạng” của bản, hiện là Phó chủ tịch UBND xã Lao Chải.



Dân ở đây lạ lắm, hỏi gì cũng lắc đầu, chỉ trả lời mỗi câu… “chư pâu” (không biết), bởi họ không nói được tiếng Kinh. Khổ nhất là những đứa trẻ, gặp người lạ, đứa thì nép vào xó nhà, đứa thì luồn xuống háng ôm chặt đùi người lớn, rồi khẽ hé ánh mắt “hoang dại” nhìn chúng tôi lạ lẫm như gặp người… ngoài hành tinh.



Đẻ hết trứng mới thôi!



Bước vào ngôi nhà “đặc biệt” ấy, tôi ngỡ ngàng với người đàn bà 41 tuổi, mà trông như bà lão 65 tuổi. Chị đang xay ngô, lưng địu đứa bé chừng một tuổi. Ngồi cạnh bếp là anh Chớ, mang khuôn mặt khắc khổ, già nua như ông cụ 60. Khuôn mặt của anh chẳng ăn khớp gì với cái tuổi 47.

 

 

Gia đình chị Lý Thị Sú một tháng có tới 5 đứa trẻ ra đời. 

Anh Chớ chỉ về phía người đàn bà đang xay ngô bảo: “Vợ mình đấy, còn đứa bé là con gái út mình. Vợ nó không nói được tiếng Kinh đâu! Cả nhà mỗi mình là nói được thôi à!”. Tôi nhìn xung quanh nhà, nhưng chẳng thấy thứ gì đáng giá, ngoài cái chảo xao chè và chiếc vòng đồng khá to, xâu vài đồng tiền xu, là “bảo bối” hành nghề thầy cúng của anh Chớ.



Hỏi chuyện đẻ nhiều, Chớ chưa trả lời, mà ôm điếu gân cổ rít, khiến nước trong điếu sôi òng ọc, rồi ngửa cổ nhả khói. Chớ thều thào bằng cái giọng lơ lớ tiếng Kinh, khoe kỷ lục của mình: “Vợ mình đẻ 16 lần rồi, nhưng mấy lần đẻ non, nó không sống được bỏ mình đi rồi, giờ còn 11 đứa thôi! 5 trai, 6 gái. Nay mình có 2 con dâu, 3 con rể và 11 đứa cháu nội, ngoại rồi đấy!”.

 

 

16 người con được bà Sú sinh ra trên chiếc giường này.

Tôi hỏi: “Sao bác đẻ nhiều thế, chính quyền họ không nói gì sao? Anh Chớ hồn nhiên: “Biết làm sao được, vợ mình nó toàn ở trong nhà thôi à!”. “Thế bây giờ bác còn đẻ nữa không?” – tôi hỏi. Chớ giật nảy như đỉa phải vôi, khi tôi vô tình chạm vào “quyền lợi đẻ” của ông: “Có chứ! Vợ mình nó đẻ mà, mình có đẻ đâu! Nếu ông trời cho đẻ nữa, thì đẻ hết trứng mới thôi!”.



Chớ lý giải: “Ngày xưa bố mẹ sinh được mỗi mình, không anh em buồn lắm, ốm đau không có ai chăm sóc, nên mình phải đẻ thật nhiều cho có anh, có em”.

 

Nghe chồng nói vậy, bà Sú tỏ vẻ tự hào, vì con cái đứa nào cũng chịu khó làm nương, nên bà ít phải động tay đến việc. Đúng hơn, từ khi lấy chồng bà chỉ hoàn thành xuất sắc một việc là… đẻ. Cũng phải, bởi lấy chồng năm 17 tuổi, 18 tuổi sinh con đầu lòng và khi 41 bà đã trải qua 16 lần sinh. Trung bình cứ 14 tháng lại… đẻ, thì còn đâu thời gian mà động tay đến việc.



“Noi gương” mẹ, cô con gái đầu Cư Thị Mài, nay mới 23 tuổi, nhưng cũng đã trải qua 6 lần sinh. Nhưng buồn thay 3 đứa đã chết khi mới lọt lòng. Chúng tôi quyết leo núi để gặp “hậu duệ” vua đẻ. Nhưng vừa leo được nửa đường, thì một người dân cho biết Mài vừa sinh. Theo phong tục, người lạ không được vào nhà, nên chúng tôi đành quay lại.

 

 

 

Trong nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá.

Để thẩm định lời ông Chớ, chúng tôi đã đi hỏi người dân và họ đều khẳng định bà Sú đã từng sinh 16 lần và Mài thì 6 lần. Còn vì sao một số đứa bé sinh ra chết, thì không ai biết và họ cũng không cần biết. Đúng là “những đứa con của núi rừng”, trẻ con sinh ra và lớn lên tự nhiên như cỏ cây vậy.

 

 Đồng bào nơi đây sống đúng theo tư tưởng “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”, nên cứ đẻ thả phanh, còn trứng thì còn… đẻ. Ông Ma Văn Hầu trăn trở: “Dân trí thấp, vả lại tập tục ở đây là vậy. Xã nhiều lần xuống phân tích, nhắc nhở nhưng cũng chẳng ăn thua gì”.



Khi ngồi kể lại câu chuyện bi hài này, tôi vẫn tiếc nuối, bởi hôm đó, những đứa con của anh Chớ, chị Sú, đứa thì lên nương, 3 đứa nhỏ đang học cấp 1 dưới xã và 2 đứa đang còn bú sữa, nên không chụp được bức ảnh đại gia đình “vua đẻ”. Bức ảnh chỉ có 16 thành viên gồm 4 đời và nếu đủ phải là 31 người.

 

Anh Chớ.

Anh Chớ khoe: “Con Luyến (đứa con thứ 16, mới 10 tháng tuổi) đã lên chức cô, dì rồi đấy!”. Vừa nói, anh Chớ vừa nhìn sang vợ cười đắc chí, rồi nhìn lướt qua cái bụng đang lùm lùm của chị Sú cười tủm. Không rõ Sú đang mang bầu, hay vì cơ bụng sau nhiều lần sinh chưa kịp co lại? Nhưng nếu bụng chửa, chắc cũng phải vài tháng rồi!



Chia tay Ngài Là Thầu, ra khỏi rừng, chúng tôi mang theo nỗi ám ảnh về những đứa trẻ nheo nhóc và chuyện bi hài của hai mẹ con bà Sú thi nhau đẻ hết trứng. Rồi số phận những đứa trẻ, bà mẹ này sẽ đi về đâu? Liệu có phép màu nào giúp họ thoát khỏi “vòng kim cô”… hủ tục đẻ nhiều này không?.

(Theo VTC News)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: 41 tuổi, đẻ 16 con

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Loài cua khổng lồ nặng 4kg biết bóc tách vỏ dừa

Loài cua khổng lồ nặng 4kg biết bóc tách vỏ dừa

(Tin Môi Trường) - Loài cua dừa khổng lồ nặng trung bình khoảng 4kg một con, có khả năng bóc tách vỏ quả dừa, trở thành sinh vật thống trị hòn đảo xa xôi ở Nam Thái Bình Dương vì không có động vật bản xứ cạnh tranh.

Tin Môi Trường
 200 năm huyền thoại kênh Vĩnh Tế

200 năm huyền thoại kênh Vĩnh Tế

(Tin Môi Trường) - Kênh Vĩnh Tế hoàn thành không chỉ là di sản thủy lợi của triều Nguyễn để lại mà còn là khởi nguồn của một công cuộc quan trọng khác: khai hoang phục hóa vựa lúa miền Tây.

VACNE 30 năm
 Bộ rễ khủng cây di sản trùm kín miếu thờ ở Quảng Nam

Bộ rễ khủng cây di sản trùm kín miếu thờ ở Quảng Nam

(Tin Môi Trường) - Ngày 24-4, khi chứng kiến cây đa làng Bàng Tân (xã Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam) được công nhận là cây di sản Việt Nam, nhiều người ấn tượng với bộ rễ khủng của cây đa cổ thụ này chồm lên trùm kín làm mái lợp, tường bao cho gian miếu thờ phía dưới.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI