»

Thứ bảy, 27/04/2024, 14:09:38 PM (GMT+7)

Loạt dự án điện mặt trời ở Bình Thuận "chiếm dụng đất", khởi công khi Thủ tướng chưa cho phép

(09:59:00 AM 26/12/2023)
(Tin Môi Trường) - Cơ quan thanh tra kết luận hàng loạt nhà máy điện mặt trời, điện gió ở Bình Thuận đã khởi công trên đất quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có ý kiến cho phép của Thủ tướng Chính phủ

Hàng loạt sai phạm trong phát triển điện mặt trời (ĐMT) tại tỉnh Bình Thuận đã được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra tại thông báo kết luận thanh tra quản lý, đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

 
Về đất đai xây dựng nhà máy, TTCP kết luận việc Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản hướng dẫn UBND tỉnh Bình Thuận xây dựng dự án Nhà máy điện gió Đại Phong, Nhà máy điện gió Hồng Phong 1 trên khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, thời gian dự trữ khoáng sản... là không có cơ sở.
 
Loạt[-]dự[-]án[-]điện[-]mặt[-]trời[-]ở[-]Bình[-]Thuận[-]"chiếm[-]dụng[-]đất",[-]khởi[-]công[-]khi[-]Thủ[-]tướng[-]chưa[-]cho[-]phép
Một dự án điện mặt trời tại tình Bình Thuận. Ảnh: NLĐO
 
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, 13 dự án ĐMT và điện gió đã đầu tư xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia theo Quyết định số 645/QĐ-TTg. Trong đó, nhà máy ĐMT Hồng Liêm 3 xây dựng trên đất hoạt động khoáng sản; Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 còn xây dựng trên 40,57 ha rừng, đến thời điểm thanh tra chưa thực hiện xong việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
 
Theo giải trình của UBND tỉnh Bình Thuận, dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án. Công ty cổ phần Năng lượng Hòa Thắng đã nộp Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Thuận số tiền 10,359 tỉ đồng theo phương án phê duyệt.
 
Theo điểm tên của TTCP, các dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2; Nhà máy điện gió Thái Hòa, Nhà máy điện gió Đại Phong, Nhà máy điện gió Hồng Phong 1, Nhà máy ĐMT Hồng Phong 1A, Nhà máy ĐMT Hồng Phong 1B, Nhà máy ĐMT Hồng Phong 5.2, Nhà máy ĐMT Hàm Kiệm 1, Nhà máy ĐMT Mũi Né, Nhà máy ĐMT Hàm Kiệm, Nhà máy ĐMT Hồng Phong 4, Nhà máy điện gió Phú Lạc - Giai đoạn 2, Nhà máy điện gió Phong điện 1 đều xây dựng trên đất mặt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia là không có cơ sở pháp luật, vi phạm quy định.
 
Cũng theo cơ quan thanh tra, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Bình Thuận để xây dựng các dự án ĐMT cũng có nhiều vi phạm. Theo đó, việc UBND tỉnh Bình Thuận cho các doanh nghiệp gồm: Công ty CP Năng lượng Thiên Niên Kỷ, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp điện số 8 Bình Thuận, Công ty CP năng lượng Hồng Phong 1, Công ty CP năng lượng Hồng Phong 2, Công ty CP Đức Thành Mũi Né, Công ty CP ĐMT Trường Thành - Bình Thuận được thuê đất 50 năm với mục đích xây dựng công trình năng lượng là không có cơ sở pháp luật.
 
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận còn phê duyệt và cho thuê đất vượt hạn mức theo quy định để các doanh nghiệp xây dựng dự án ĐMT trên địa bàn, một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.
 
Dự án điện mặt trời "chiếm dụng đất"
 
TTCP cũng điểm tên hàng loạt dự án khởi công khi chưa hoàn thiện các thủ tục về thuê đất tại địa bàn tỉnh Bình Thuận. Trong đó, Công ty cổ phần điện Mặt Trời đã khởi công Nhà máy ĐMT Phong Phú, đường dây điện trên diện tích 56,32 ha trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất, bàn giao đất. TTCP nhấn mạnh đây là hành vi chiếm dụng đất, vi phạm hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Luật Đất đai 2013.
 
Đáng chú ý, Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Niên Kỷ đã khởi công xây dựng dự án Nhà máy ĐMT Hồng Phong 5.2 ngày 16-6-2020, vận hành thương mại ngày 24-12-2020 là vi phạm quy định tại các quyết định cho thuê 55,47 ha đất của UBND tỉnh Bình Thuận, không thực hiện đúng cam kết tại các văn bản xin thuê đất.
 
Đến thời điểm thanh tra, dự án vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến cho phép xây dựng trên đất quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia tại tỉnh Bình Thuận. 
 
Tương tự, Công ty cổ phần Đức Thành Mũi Né (chủ đầu tư Nhà máy ĐMT Mũi Né) và Công ty cổ phần Hà Đô Bình Thuận (chủ đầu tư Nhà máy ĐMT Hồng Phong 4) xây dựng nhà máy trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai.
 
TTCP cũng phát hiện Công ty TNHH Điện Mặt Trời Trường Lộc Bình Thuận, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đại Phong, Công ty cổ phần điện gió Hồng Phong 1, Công ty cổ phần Năng lượng Hồng Phong 1, Công ty cổ phần Năng lượng Hồng Phong 2 có hành vi chiếm dụng đất để xây dựng các nhà máy điện khi chưa được UBND tỉnh Bình Thuận cho phép.
 
TTCP kết luận việc để các doanh nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng các nhà máy ĐMT, điện gió trên đất quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có ý kiến cho phép của Thủ tướng Chính phủ, chưa được thuê đất, ngoài trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án, trách nhiệm quản lý đất đai thuộc về UBND tỉnh Bình Thuận; UBND huyện nơi các dự án xây dựng.
 
Cơ quan thanh tra cũng phát hiện có 12/13 dự án ĐMT tại Bình Thuận vi phạm điều kiện khởi công xây dựng công trình như: Thiết kế bản vẽ thi công chưa được phê duyệt; 2 dự án chưa có giấy phép xây dựng; 5 dự án mặt bằng thi công chưa được bàn giao.
 
Trong quá trình thi công đến ngày vận hành thương mại, hầu hết các chủ đầu tư đã khắc phục vi phạm. Tuy nhiên, các vi phạm trên có ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án để nhà máy vận hành thương mại trước ngày 1-7-2019, ngày 1-1-2021 đối với dự án ĐMT; trước ngày 1-11-2021 đối với dự án điện gió để được áp dụng cơ chế khuyến khích (giá FIT áp dụng trong 20 năm).
 
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.
 
Đối với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm.
 
TTCP cũng đã chuyển đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an hồ sơ vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió trên đất Quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia/Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan tại tỉnh Bình Thuận.
 
Theo TTCP, việc công nhận ngày vận hành thương mại, đưa 12/13 dự án vào sử dụng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư là vi phạm các quy định hiện hành.
 
Trách nhiệm thuộc về Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các chủ đầu tư dự án.
NLĐ
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Loạt dự án điện mặt trời ở Bình Thuận "chiếm dụng đất", khởi công khi Thủ tướng chưa cho phép

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
CPECO
Không xả rác
VACNECPECO
 Tăng cường bảo vệ các loài hoang dã trong dịp Tết

Tăng cường bảo vệ các loài hoang dã trong dịp Tết

(Tin Môi Trường) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn số 122/BTNMT-BTĐD đề nghị các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã.

Tin Môi Trường
 Chủ đề Ngày Khí tượng Thế giới năm 2024: “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”

Chủ đề Ngày Khí tượng Thế giới năm 2024: “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”

(Tin Môi Trường) - Tổ chức Khí tượng thế giới (World Meteorological Organization - WMO) đã cố bố chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2024 là “At the frontline of climate action” – “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”.

VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI