Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: www.tinmoitruong.com

12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam giai đoạn 2023-2028

(10:03:35 AM 14/11/2023)
(Tin Môi Trường) - Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động cộng đồng nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; tích cực tham gia tư vấn phản biện xã hội về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu (đặc biệt đối với những vấn đề dư luận quan tâm) phục vụ tăng trưởng xanh, phát triển bền vững ; tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức hội...là những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam giai đoạn 2023-2028.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ trước, tiến tới Đại hội lần thứ VIII, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xác định rõ phương hướng và nhiệm vụ hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ mới (2023-2028). Theo đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 2 trong năm 2023 (diễn ra hồi tháng 7 vừa qua) xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ mới để đưa vào dự thảo Nghị quyết Đại hội VIII (nhiệm kỳ 2023-2028) dự kiến diễn ra vào ngày 26/11 tới đây. 

 

2 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam giai đoạn 2023-2028

Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động cộng đồng nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; tích cực tham gia tư vấn phản biện xã hội ...là những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam giai đoạn 2023-2028. -Ảnh: VACNE

 

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 2 (tháng 7/2023) đề ra 12 nhiệm vụ chính của Hội trong giai đoạn (2023-2028). Cụ thể: (1) Thường xuyên đáp ứng đến mức cao nhất theo khả năng các yêu cầu tư vấn, phản biện xã hội của cộng đồng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và của Hội. (2) Tranh thủ điều kiện tập trung tư vấn, phản biện xã hội những vấn đề bức xúc, quan trọng theo nguyện vọng về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu của hội viên và yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Chú trọng vấn đề hoàn thiện hệ thống luật pháp, chiến lược huy động sức mạnh cộng đồng, giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn...
 
Chủ trì xây dựng các đề án, mô hình ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
 
(3) Tiếp tục tổ chức định kỳ các hội thảo khoa học truyền thống của Hội như Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn, Hội thảo Biến đổi khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam, đồng thời tìm kiếm cơ hội tổ chức hội thảo, tọa đàm theo các chủ đề mới, thích hợp. (4) Khuyến khích, tạo điều kiện để các đơn vị trực thuộc và các hội thành viên tham gia, ký kết hợp đồng thực hiện các đề tài, nhiệm vụ, đề án... với các chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp ngành và địa phương cũng như các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chú trọng điều tra, đánh giá tổng kết và hiện đại hóa các mô hình tiên tiến của cộng đồng trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu.
 
(5) Chủ trì, bảo  trợ các hội thành viên tổ chức các sự kiện truyền thông môi trường theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Hội; Phát huy vai trò truyền thông của Tạp chí điện tử, trang web của hội, phối hợp tốt với các tạp chí, bản tin khác của các tổ chức thành viên Hội và các phương tiện truyền thông khác. (6) Tạo nguồn lực biên tập và phát hành các ấn phẩm quan trọng về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu, cố gắng mỗi năm có tối thiểu 1 ấn phẩm được xuất bản.
 
(7) Duy trì và phát triển sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, chú trọng việc chăm sóc và kéo dài tuổi thọ Cây Di sản, kết hợp sự kiện Cây Di sản với các hoạt động của cộng đồng về sinh kế, phát triển du lịch, về văn hóa, lịch sử, hướng tới xây dựng sự kiện như một mô hình văn hóa môi trường tiên tiến; Phấn đấu xuất bản tiếp các tập “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam”. (8) Thực hiện tốt chức năng đối ngoại nhân dân về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu; Tiếp tục các hoạt động truyền thống của tổ chức ĐTM và ĐMC Hàn Quốc, với Viện Môi trường Thái Lan (TEI), Chương trình TAI (Quyền tiếp cận môi trường), với ACAP (Mạng lưới Không khí sạch châu Á), đặc biệt với Diễn đàn Môi trường và Con người Hàn Quốc (HEF).
 
(9) Thường xuyên tìm kiếm và tổ chức thực hiện các hoạt động phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các hội bạn, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội bằng việc phối hợp tổ chức hội thảo, tọa đàm, sự kiện truyền thông, phát hành ấn phẩm. (10) Tiếp tục phát triển tổ chức Hội, chú trọng mở rộng tổ chức Hội tới 30 địa phương tỉnh, thành phố chưa có tổ chức tương xứng cũng như các cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng khác.
 
Hai nhiệm vụ cuối cùng (11) và (12) Không ngừng củng cố, nâng cao kết quả và chất lượng hoạt động của các đơn vị trực thuộc, các hội thành viên, yêu cầu đóng góp niên liễm đầy đủ theo quy định. Đồng thời, bảo đảm các hoạt động theo quy định đối với Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra, các Ban, các Hội đồng chuyên môn cũng như các Văn phòng Hội.
T.H