Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: www.tinmoitruong.com

Nói về điểm mạnh khi phỏng vấn cần tránh điều gì?

(09:29:55 AM 21/04/2022)
(Tin Môi Trường) - Các câu hỏi về điểm mạnh khi phỏng vấn tưởng chừng như đơn giản nhưng có thể khiến nhiều ứng viên mắc sai lầm do thiếu kinh nghiệm trả lời.

Hãy tham khảo 5 lỗi thường gặp sau đây để tránh mắc phải khi nói về điểm mạnh của mình với các nhà tuyển dụng tại Đà Nẵng, TPHCM hay Hà Nội… nhé. 

 

Nói về điểm mạnh khi phỏng vấn cần tránh điều gì?

Ảnh minh hoạ: IE

 
Nhầm lẫn về khái niệm điểm mạnh
 
Sai lầm đầu tiên đối với câu hỏi này là sự nhầm lẫn của ứng viên khi được hỏi về điểm mạnh. Khái niệm điểm mạnh là tập hợp những kiến thức, kỹ năng và thái độ mà bạn cho rằng mình có thể làm tốt để phục vụ công việc. Từ đó là cơ sở hình thành lợi thế cạnh tranh khi so sánh với các ứng viên khác. Vì vậy bắt đầu với sở thích hay thói quen không phải là hướng trình bày mà bạn nên tiếp cận. 
 
Đừng trả lời: “Tôi rất thích chụp hình và thao tác với hình ảnh” hay “Tôi có thói quen làm việc đa nhiệm”,… mà thay vào đó là: “Điểm mạnh của tôi so với số đông đó là kiến thức về nhiếp ảnh, kỹ năng thực tế kết hợp tinh thần chuyên nghiệp trong lĩnh vực này” hoặc “Khả năng đa nhiệm hiệu quả là một trong những điểm mạnh mà tôi sở hữu.”
 
Liệt kê quá nhiều
 
Không chỉ muốn biết về điểm mạnh của bạn, mà sau câu hỏi này nhà tuyển dụng còn muốn biết bạn có khả năng chọn lọc những điều nổi bật hay không. Kỹ năng chọn lọc này cho thấy rằng bạn hiểu rõ về bản thân và có thể giúp nhà tuyển dụng tiếp nhận được lượng thông tin cần thiết để xem xét đánh giá. Đó là lí do vì sao ứng viên cần tránh liệt kê quá nhiều điểm mạnh mà không đi sâu vào phân tích cụ thể điểm mạnh ấy.
 
Câu trả lời đầy đủ và súc tích về điểm mạnh khi phỏng vấn nên bao gồm các yếu tố sau: điểm mạnh đó là gì, tại sao bạn lại nghĩ đó là điểm mạnh của mình và điểm mạnh này giúp ích gì cho công việc.
 
Trả lời không trung thực
 
Để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng, một thói quen thường gặp ở ứng viên đó là phóng đại một cách thiếu trung thực những điểm mạnh khi phỏng vấn. Sai lầm này diễn ra khi bạn mô tả không đúng cấp độ kỹ năng hoặc liệt kê kinh nghiệm mà bạn chưa hề tích lũy được.
 
Các thông tin trong buổi phỏng vấn đều được ghi chú lại để đối chiếu xác minh khi cần. Thế nên nếu bạn không muốn bị loại sớm thì lời khuyên đó là hãy nghiêm túc và thẳng thắn với phần nội dung trao đổi với nhà tuyển dụng.
 
Điểm mạnh không liên quan
 
Điều lưu ý tiếp theo là tránh nêu ra các điểm mạnh không liên quan đến vị trí ứng tuyển mặc dù nó có thể khiến bạn nổi trội. Ví dụ nếu công việc bạn đang ứng tuyển liên quan đến hành chính nhân sự, bạn nên tập trung vào khai thác các điểm mạnh trong tổ chức, lập kế hoạch, tuyển dụng,… thay vì chia sẻ lan man điểm mạnh của mình là thiết kế đồ họa hay dịch thuật. Điều này dễ khiến cho nhà tuyển dụng cho rằng bạn chưa thực sự hiểu rõ về yêu cầu mà công việc này đề ra.
 
Thiếu tự tin khi trình bày
 
Sẽ rất mâu thuẫn nếu bạn trình bày về điểm mạnh với một thái độ e dè và thiếu tự tin. Nguyên nhân có thể là do bạn chưa chuẩn bị kỹ cho câu hỏi cũng như hoang mang không biết nên trình bày gì để tạo ấn tượng. Điều này sẽ không thể giúp bạn thuyết phục được nhà tuyển dụng. 
 
Cách xử lý là đừng vội trả lời ngay mà hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ và trình bày thật tự nhiên. Một nhịp độ chậm rãi và dứt khoát cùng với ngôn ngữ cơ thể tích cực sẽ giúp bạn thể hiện đúng tinh thần của câu trả lời về điểm mạnh khi phỏng vấn.
 
Nói về điểm mạnh khi phỏng vấn cần tránh điều gì?
Tiến Huy