Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: www.tinmoitruong.com

5 điểm nên có trong CV của sinh viên mới tốt nghiệp

(18:44:36 PM 28/09/2020)
(Tin Môi Trường) - Là sinh viên mới tốt nghiệp và lần đầu tìm việc, CV của bạn sẽ có một số điểm khác biệt so với CV thông thường. Thay vì nghĩ rằng CV chỉ đơn thuần là một danh sách các công việc trước đây và thất vọng rằng bạn không có gì để viết, hãy nghĩ về nó như một công cụ tiếp thị. Nó có thể cho thấy bạn là người cầu tiến, tận tâm, chăm chỉ và nhiệt tình. Nó giúp bạn chứng tỏ với nhà tuyển dụng khả năng học hỏi, và tiềm năng bạn sẽ là một tài sản lớn cho công ty của họ. Chỉ vì bạn chưa có việc làm không có nghĩa là bạn sẽ không trở thành một nhân viên tuyệt vời.

 5 điểm nên có trong CV của sinh viên mới tốt nghiệp

Ảnh minh hoạ: IE

 

Dưới đây là những điểm nên có trong CV của một sinh viên mới tốt nghiệp, bạn đừng bỏ qua nếu muốn thuyết phục được các nhà tuyển dụng.

 

Các công việc không chính thức bạn từng làm
 
Mặc dù bạn có thể không có bất kỳ kinh nghiệm làm việc chính thức nào để thể hiện trong CV của mình, nhưng vẫn có nhiều cách để tiếp thị bản thân và thể hiện rằng bạn là ứng viên phù hợp cho công việc. Ví dụ, bạn có thể bao gồm các công việc không chính thức mà bạn có thể đã làm khi còn là một thiếu niên. Các công việc đó có thể là: Trông trẻ, đi dạy thêm, phục vụ quán ăn… hoặc bất cứ việc gì khác mà bạn đã làm để kiếm tiền. Những công việc này hoàn toàn có thể chấp nhận được để đưa vào CV của bạn và thể hiện sự nỗ lực trong cuộc sống cũng như khả năng tiếp xúc của bạn với thế giới làm việc.
 
Những giải thưởng và thành tích của bạn
 
Các nhà tuyển dụng biết rằng những người trẻ tuổi thường không có nhiều kinh nghiệm làm việc, vì vậy việc cố gắng đánh lừa họ cũng chẳng có ích gì. Thay vì điền vào hồ sơ của bạn với kinh nghiệm quá cường điệu như các mẫu CV chuyên nghiệp, hãy cố gắng nhấn mạnh những thành tích đã đạt được ở lớp học. Nếu giáo viên nhận xét rằng bạn có “thái độ tích cực, hãy đề cập đến điều đó trong CV của bạn. Mặt khác, mỗi khi bạn tham gia một câu lạc bộ, dành thời gian tình nguyện hoặc giành được một giải thưởng, bạn nên viết nó ra. Không có gì là quá nhỏ hoặc không đáng kể. 
 
Nhấn mạnh việc học của bạn
 
Với sinh viên mới tốt nghiệp, kết quả học tập có thể là yếu tố giúp bạn được tuyển dụng. Do đó, trình độ học vấn phải được xem là yếu tố trung tâm trong CV của bạn.
 
Hãy liệt kê ra các bằng cấp của bạn. Đừng bận tâm đến tên lớp hoặc mã khóa học, vì chúng sẽ chẳng có ý nghĩa gì đối nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, có thể đưa vào CV các lĩnh vực nghiên cứu khác nếu nó liên quan đến công việc bạn đang theo đuổi. Lời khuyên ở đây là bạn nên thêm vào các điểm đặc biệt như giấy khen, học bổng và các giải thưởng khác, cũng như điểm trung bình của bạn (nếu nó cao!).
 
Tham gia một câu lạc bộ
 
 Có rất nhiều hoạt động ngoài công việc sẽ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Như tham gia đội bóng, câu lạc bộ tình nguyện, hội những người thích viết… Những hoạt động này thể hiện khả năng hoàn thành dự án đúng hạn, khả năng làm việc nhóm và tính kỷ luật. Kinh nghiệm đưa vào trong CV không chỉ là kinh nghiệm làm việc mà còn là kinh nghiệm sống.
 
Do đó, nếu bạn đang là sinh viên mới tốt nghiệp, hãy tham gia một câu lạc bộ, tình nguyện viên với một số nhóm sinh viên hoặc giúp tổ chức một sự kiện địa phương. Khi các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ứng viên, họ không chỉ muốn những người đã từng đảm nhiệm công việc mà họ còn muốn những người đã nhiệt tình cống hiến hết mình vì mục tiêu chung, cộng tác với người khác và đạt được những kết quả nhất định. Nơi làm việc không phải là địa điểm duy nhất có thể hoàn thành những nhiệm vụ này. Lời khuyên cho bạn là nên bắt đầu với trường đại học của bạn và hỏi xem họ có giới thiệu bất kỳ cơ hội tình nguyện nào không, hoặc bạn có thể thử liên hệ với các doanh nghiệp hoặc tổ chức từ thiện địa phương. Có nhiều tổ chức và nhóm sẽ đánh giá cao sự chung tay của bạn. 
 
Các kỹ năng mềm 
 
Không có kinh nghiệm làm việc ấn tượng nhưng sinh viên mới tốt nghiệp cũng có thể có được sự quan tâm của nhà tuyển dụng nhờ vào các kỹ năng mềm. Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng phân tích, làm việc độc lập, chịu được áp lực... Đây đều là những kỹ năng mà nhà tuyển dụng nào cũng muốn nhân viên của mình sở hữu. Để tăng sức thuyết phục, hãy đề cập đến những lần bạn áp dụng kỹ năng này và đạt được kết quả mong muốn. 
Kiều Giang