Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: www.tinmoitruong.com

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thị sát khu vực thí điểm xử lý nước, cho cá Koi ăn ở hồ Tây

(19:01:31 PM 30/10/2019)
(Tin Môi Trường) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có chuyến thị sát khu vực thí điểm xử lý nước bằng công nghệ Nano Bioreactor Nhật Bản ở hồ Tây, đồng thời cho cá Koi đang được nuôi tại đây ăn.

Trưa nay 30-10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cùng một số cán bộ chức năng đã có chuyến thị sát khu vực thí điểm xử lý nước bằng công nghệ Nano Bioreactor Nhật Bản ở hồ Tây (Hà Nội).

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thị sát khu vực thí điểm xử lý nước, cho cá Koi ăn ở hồ Tây
 
Tại đây, Bộ trưởng và đại diện Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) - đơn vị trực tiếp thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và hồ Tây, đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi các vấn đề liên quan đến dự án xử lý nước trong thời gian qua.
 
Cũng tại buổi thị sát này, TS Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản, đã công bố kết quả thí nghiệm tại một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây. Theo đó, chất lượng nước tại 2 khu thí điểm đều đạt quy chuẩn Việt Nam 08, mùi hôi thối tại sông Tô Lịch giảm 200 lần, mùi tanh hôi của Hồ Tây giảm 30 lần.
 
Phân hủy vi khuẩn có hại tại sông Tô Lịch giảm đến 61 triệu lần, còn tại Hồ Tây, việc kích hoạt sinh vật có lợi theo đánh giá của trung tâm điều tra tài nguyên nước thuộc bộ TN-MT tăng lên 738 lần, tổng vi sinh vật hiếu khí tăng 47 lần. Bùn hữu cơ tại sông Tô Lịch giảm 91,3 cm - 15cm, cách đầu đường Hoàng Quốc Việt 50 m.
 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thể hiện sự yên tâm trước kết quả thí nghiệm: "Bước đầu với 3 mục tiêu, mùi, xử lý bùn, và một số chất cơ bản thì đã cơ bản xử lý được vấn đề hiện nay tại các con sông của Việt Nam".
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý vấn đề ở Việt Nam có một số điểm khác với Nhật Bản, đồng thời gợi ý cho các chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu. Trước hết là kim loại nặng trong nước rất nhiều, tiếp đến ở Việt Nam các con sông chủ yếu là kênh nước thải, chính vì thế hiện tại các chuyên gia Nhật Bản đang xử lý đến 90% nước thải. Cuối cùng là về vấn đề kinh tế, Bộ trưởng đề nghị phía Nhật Bản nhanh chóng tính toán các chi phí và công bố trong thời gian sớm nhất.
 
Ngay sau cuộc trao đổi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đích thân cho cá ăn tại khu vực thí điểm xử lý nước hồ Tây. Dưới cái nắng gay gắt, Bộ trưởng Bộ TN-MT rải đều thức ăn cho cá ở các vị trí khác nhau. Theo ghi nhận, một vài phút sau khi thức ăn được thả xuống, đàn cá bắt đầu từ từ ngoi lên mặt nước và ăn mồi.
 
Trước đó, ngày 16-9, công ty JVE đã cho thả 50 con cá Koi (Cá chép Nhật Bản) và 100 con cá vàng Việt Nam xuống khu xử lý nước hồ Tây. Được biết, cá Koi là loại cá "khó tính", môi trường nước phải đảm bảo sạch, không bị ô nhiễm, không có vi khuẩn nhiễm bệnh thì cá Koi mới có thể sống được.
NLĐ