Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: www.tinmoitruong.com

Biến đổi khí hậu: Bạc Liêu trồng rừng, gây bồi, tạo bãi ven biển

(10:25:28 AM 16/04/2018)
(Tin Môi Trường) - Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo vệ hệ thống đê biển, bảo tồn đa dạng sinh học, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều dự án trồng rừng, chống xói lở, gây bồi, tạo bãi tại các điểm bị sạt lở trên địa bàn tỉnh.

Biến đổi khí hậu: Bạc Liêu trồng rừng, gây bồi, tạo bãi ven biển

Ảnh minh hoạ: IE

 
Cụ thể, tỉnh triển khai 3 dự án gây bồi, tạo bãi, trồng rừng có tổng chiều dài hơn 20km, trong tổng chiều dài bờ biển Bạc Liêu là 54 km. Dự án 1 và 2 được thực hiện trên địa bàn các xã Vĩnh Hậu và Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), xã Long Điền Đông và thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) với diện tích gần 150 ha, kéo dài gần 12km, chiều rộng trồng rừng mới từ 150 – 200m, tính từ mép rừng cũ ra biển; dự án 3 được thực hiện tại thành phố Bạc Liêu với hơn 200ha, ở phường Nhà Mát và các xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung cho biết trên địa bàn tỉnh hiện nay có 3 điểm có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, ngoài ra vẫn còn có một số đoạn bắt đầu có dấu hiệu không bình thường do biến đổi khí hậu. Việc sạt lở gây ảnh hưởng đến cây trồng, đai rừng phòng hộ cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân tại các khu vực này. Đối với các khu vực có ít sóng, tỉnh đã cho triển khai dự án xây dựng đê mềm để gây bồi, tạo bãi và trồng lại rừng. Trên thực tế, khi thực hiện dự án này bước đầu đã thành công và có hiệu quả, gây được bồi, tạo được bãi nhưng đã qua 3 lần trồng rừng vẫn chưa thành công (đê biển Nhà Mát). Qua đó cho thấy, việc gây bồi, tạo bãi nhanh dẫn đến nền đất chưa ổn định nên chưa thể trồng được cây. 
 
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện thêm một phương án nữa là để việc gây bồi, tạo bãi cho đến khi nền đất đã ổn định thì sẽ cho trồng lại rừng. Đối với những vị trí có nhiều sóng to, lớn như thị trấn Gành Hào, tỉnh đã áp dụng phương pháp đê cứng để chống và phá sóng từ xa. Bước đầu áp dụng giải pháp đê cứng cũng đã thành công, gây được bồi, tạo được bãi; tiếp theo, tỉnh vẫn sẽ sử dụng phương án khi nào việc gây bồi, tạo bãi ổn định thì sẽ tiến hành trồng rừng. Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, việc xuất hiện số lượng cây mắm mọc tự nhiên và phát triển tốt tại các khu vực bãi bồi là dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ các dự án đã phát huy được tác dụng trong việc khôi phục lại đê rừng phòng hộ ven biển của tỉnh. 
 
Bạc Liêu cũng đã kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương dựa trên tình hình thực tế của địa phương để nghiên cứu, hỗ trợ thêm kỹ thuật và hỗ trợ thêm kinh phí để tỉnh có đủ nguồn lực thực hiện nhanh các giải pháp này, đặc biệt là giữ được rừng phòng hộ bảo vệ cuộc sống của người dân. 
 
Việc thực hiện các dự án này nhằm tạo tiền đề, thí điểm, rút kinh nghiệm để thực hiện gây bồi, tạo bãi, trồng rừng trên toàn tuyến ven biển Bạc Liêu. Đây là một trong những giải pháp lâu dài và là nỗ lực của tỉnh trong ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định. 
 
Hiện Bạc Liêu còn chưa đến 4.000ha rừng phòng hộ ven biển chạy trên 30km bờ biển. Do đặc điểm địa hình, nên diện tích rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu không lớn. Do đó, Bạc Liêu đã nỗ lực trong việc trồng, tái tạo rừng, nhất là rừng phòng hộ. Năm 2017, toàn tỉnh trồng hơn 57ha rừng phòng hộ.
Nhật Bình-TTXVN